Phát biểu với báo giới, bà Yoo cho biết: "Gần đây, mỗi quốc gia đều đang tự lực đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy do dịch COVID-19 gây ra. Trước các thách thức này, WTO cần duy trì tất cả các năng lực đảm bảo thương mại trong khủng hoảng".
Theo bà Yoo, WTO cần bình thường hóa vai trò của mình trong việc tiến hành các cuộc đối thoại và giải quyết tranh chấp theo một cơ chế đa phương, và đại dịch COVID-19 tạo một cơ hội để xem xét các vấn đề còn tồn đọng. Đặc biệt, WTO cần xây dựng lại uy tín trong hệ thống thương mại đa phương bằng cách tăng khả năng ứng phó với thách thức.
Các bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều chỉ trích rằng vai trò của WTO trong việc giải quyết tranh chấp thương mại đang suy yếu. Bà Yoo nhấn mạnh: "Tôi giàu kinh nghiệm làm việc với các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau, điều này sẽ giúp tôi hiểu hơn các nhu cầu khác nhau của từng nước thành viên".
Khi được hỏi về tranh cãi thương mại Mỹ - Trung, bà Yoo tái khẳng định rằng nếu đắc cử, bà sẽ phục vụ lợi ích của tất cả các thành viên WTO. Bà cũng nói thêm rằng có quan điểm tương tự đối với tranh cãi thương mại kéo dài 1 năm qua giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng một trong các ưu tiên của bà là Nhật Bản cần có trách nhiệm đầy đủ trong WTO.
Bà Yoo cho biết đây là lần thứ 3 Hàn Quốc chạy đua vào chức Tổng Giám đốc WTO. Hai người Hàn Quốc đã nắm cương vị này vào năm 1994 và 2012. Là một nhà đàm phán kỳ cựu trong các cuộc đàm phán thương mại, bà Yoo đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc hồi năm ngoái. Bà nói giỏi tiếng Anh và từng kiêm chức người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống liên quan đến nước ngoài, dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye.
WTO cần một lãnh đạo mới do Tổng Giám đốc đương nhiệm Roberto Azevedo, người Brazil, sẽ rời nhiệm sở vào tháng 8 tới, tức là 1 năm trước khi hết nhiệm kỳ. Gần đây, tổ chức này không chọn được một Quyền Tổng Giám đốc vì các nước thành viên không đạt đồng thuận.
Bà Yoo là Bộ trưởng Thương mại đương nhiệm duy nhất ra tranh cử chức vụ đứng đầu WTO, bên cạnh các ứng cử viên từ 7 nước gồm Mexico, Nigeria, Ai Cập, Moldova, Kenya, Saudi Arabia và Anh. Quá trình bầu chọn lãnh đạo mới của WTO sẽ chính thức bắt đầu ngày 7/9 và có thể kéo dài 2 tháng.