Trong phiên điều trần đề cử tướng LaCamera vào vị trí Tư lệnh Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, vị tướng này cho rằng Mỹ cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động huấn luyện đa phương hoặc 3 bên để đưa Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau, nhấn mạnh tới hiệu quả của hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có "tác dụng răn đe đặc biệt". Tướng LaCamera cũng tuyên bố nếu được phê chuẩn, ông sẽ theo đuổi sự hợp tác và phối hợp trong lĩnh vực quân sự giữa các đồng minh quan trọng này nhằm thúc đẩy sự ổn định trong khu vực và tăng cường khả năng phòng ngừa Triều Tiên. Theo ông, các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm sẽ củng cố và tăng cường an ninh cho các đồng minh bao gồm các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa, phòng thủ tên lửa đạn đạo và thiết bị chống ngầm.
Cũng trong phiên điều trần, tướng LaCamera tuyên bố sẽ nỗ lực nối lại các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo ông, việc huấn luyện và đào tạo trực tiếp giúp các lực lượng chung có cơ hội hợp tác cùng nhau, học hỏi kinh nghiệm, từ đó xây dựng sự tin cậy lẫn nhau. Ông nêu rõ: "Các cuộc tập trận có vai trò vô cùng quan trọng nhằm thiết lập khả năng sẵn sàng (chiến đấu) cũng như cho phép binh lính, thủy thủ, không quân, thủy quân lục chiến, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ có cơ hội hợp tác với các lực lượng của Hàn Quốc".
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, tướng LaCamera cảnh báo Triều Tiên tiếp tục xây dựng chương trình hạt nhân và không loại trừ khả năng sử dụng. Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của mối quan hệ liên minh Mỹ-Hàn trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.
Từ năm 2017, Triều Tiên đã không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc thiết bị hạt nhân nào. Hồi tháng 3 vừa qua, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận Học viện Khoa học quân sự nước này đã phóng thử thành công hai tên lửa dẫn đường chiến thuật mới có thể bay theo những quỹ đạo bất thường ở độ cao thấp, "đánh chính xác mục tiêu đặt tại vùng biển cách bờ biển phía Đông Triều Tiên 600 km". KCNA nhấn mạnh sự phát triển của hệ thống vũ khí này có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các loại mối đe dọa quân sự hiện có trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó cùng ngày, ông Kurt Campbell - điều phối viên chính sách về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng - khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đánh giá kỹ lưỡng những nỗ lực đã được thực hiện trước đây trong quá trình xem xét lại chính sách với Triều Tiên. Washington sẽ tiếp tục kế thừa thỏa thuận phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên được ký kết năm 2018 tại Singapore.
Theo thỏa thuận mang tính bước ngoặt đạt được trong cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, Bình Nhưỡng cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và hai bên cũng nhất trí thiết lập quan hệ mới và một nền hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim Jong-un và ông Trump vào đầu năm 2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận phi hạt nhân hóa.