Theo bà Jayasri Srikantan, chuyên gia thuộc nhóm bảo tồn động vật hoang dã thuộc WWF, các sản phẩm của động vật hoang dã, trong đó có ngà voi, vảy tê tê hoặc thậm chí là động vật sống, được rao bán trên mạng Internet thường được "ngụy trang" bằng các biểu tượng, được nói lái sang các cụm từ khác, như "đồ sưu tầm quý hiếm" khiến chúng khó bị phát hiện. Trước thực trạng này, các chuyên gia của WWF đang phát triển mô hình AI Cyber Spotter để hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát và phát hiện các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên các nền tảng trực tuyến như Shopee, Facebook Marketplace với độ chính xác cao hơn.
Hệ thống AI này được đào tạo dựa trên hàng nghìn mẫu sản phẩm của động vật hoang dã và giá chợ đen ước tính của chúng để giúp phát hiện các "chiêu trò" tinh vi của những đối tượng buôn bán. Bà Jayasri cho biết độ chính xác của chương trình hiện nay là khoảng 90% và các ký hiệu cũng như xu hướng mới liên tục được cập nhật nhằm giúp hệ thống có thể phát hiện kịp thời các hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Mô hình AI Cyber Spotter của WWF là một phần của sáng kiến tài trợ và khởi động các dự án AI tại Singapore nhằm thúc đẩy việc ứng dụng AI. Theo bà Jayasri, cũng là người đứng đầu bộ phận giáo dục và tiếp cận cộng đồng của WWF Singapore, hệ thống này được thiết kế nhằm giúp cải thiện độ chính xác của các báo cáo do WWF và trên 400 tình nguyện viên tại Singapore thực hiện theo quý về hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Nạn buôn bán động vật hoang dã được coi là nguyên nhân thứ hai (sau nạn phá rừng) khiến động vật hoang dã chết và là một trong những hành vi phạm tội đem lại lợi nhuận cao nhất thế giới. Ở Singapore, vấn nạn đang phát triển mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng tin nhắn như Telegram, nơi người mua có thể mua các mặt hàng cấm như ngà voi hoặc thậm chí là động vật sống và động vật quý hiếm. Hiệp hội Nghiên cứu và Giáo dục về các vấn đề liên quan đến động vật cho biết số lượng động vật hoang dã bị cấm được bán trên Telegram đã tăng gần gấp đôi trong thời gian từ năm 2021 - 2023 lên 660 trường hợp. Số lượng người rao bán động vật hoang dã bị cấm cũng tăng từ 66 người năm 2021 lên 7 người năm 2023.
Theo bà Jayasri, WWF đặt mục tiêu sớm ứng dụng hệ thống này tại nhiều nước khác trên thế giới.