James Wachira là một doanh nhân đang gặp khó khăn tại thủ đô Nairobi. Việc kiếm đủ sống qua ngày không phải là thách thức duy nhất của James Wachira mà hiện tại anh còn mắc một khoản nợ khổng lồ. James Wachira chia sẻ với DW: “Có thời điểm, tôi nhớ rằng vào cuối tháng có đến 3 app yêu cầu tôi trả nợ khoảng 656 USD”.
Một nghiên cứu gần đây của chính phủ Kenya tiết lộ trên 80% dân số trưởng thành tại nước này sử dụng dịch vụ cung cấp tiền trên điện thoại.
Theo viện nghiên cứu công nghệ tài chính (fintech) có tên FSD Kenya, số lượng nhà cho vay và người vay đã tăng đáng kể từ khi dịch vụ cho vay và tiết kiệm M-Shwari ra mắt năm 2012.
Trước đó, người dân Kenya thường tìm đến khoản vay ngân hàng truyền thống và một hệ thống tín dụng không chính thức có tên là Sacco.
Tình trạng vay tiền qua app điện thoại đã gia tăng tại Kenya trong giai đoạn kinh tế toàn cầu giảm tốc do tác động của dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine. Ngành công nghiệp tín dụng dễ tiếp cận bùng nổ cùng phát triển công nghệ đang vấp phải nhiều chỉ trích với lo ngại về phương pháp đòi nợ, các khoản phí bổ sung…
Phương pháp phổ biến những kẻ cho vay thường sử dụng để “khủng bố” con nợ là gọi điện liên tục để lăng mạ. Ông James Wachira cho biết: “Bạn phải kiếm tiền để trả chúng sau đó có thể tiếp tục vay để trả nợ”.
Nhiều thanh niên có việc làm chính thức hoặc thậm thất nghiệp đều có nguy cơ vỡ nợ. Nhưng các app vay tiên dường như không quan tâm đến việc này dẫn đến tình trạng một số người Kenya thất nghiệp đã vay nợ từ hơn 5 app cùng một lúc.
Ngân hàng Trung ương Kenya (KCB) tiết lộ rằng tính đến tháng 11/2022, khoảng 14 triệu tài khoản được liệt vào nhóm vỡ nợ trên các app cho vay. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần khi vay từ app này để trả nợ cho app khác.
Các app cho vay sử dụng phương thức lăng mạ để thu hồi các khoản nợ và tiền lãi. Khi người vay vỡ nợ, gia đình và người quen của họ cũng thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại nhắc nhở.
Không hiểu rõ về lãi suất vay, nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa. Eunice Kimani - một người vay tiền qua app thú nhận với DW: “Chúng tôi vay tiền để giải quyết những vấn đề trước mắt nhưng một khi vấn đề được giải quyết thì việc trả nợ lại không còn là ưu tiên bởi bạn không còn tiền”. Cô cũng rơi vào cảnh vỡ nợ.
Jared Getenga, CEO của Credit Information Sharing ở Kenya, nhận xét: “Chúng ta cần bảo vệ người tiêu dùng trước lãi suất của những bên cho vay kỹ thuật số”. Ông Getenga nhấn mạnh rằng các khía cạnh khác của hoạt động cho vay tín dụng cần phải được điều chỉnh, ví dụ như dữ liệu được sử dụng như thế nào.
Không có lãi suất cố định và luật bảo vệ dữ liệu năm 2019 của Kenya không thể theo kịp thị trường fintech đang phát triển nhanh chóng. Có báo cáo rằng một số app cho vay thu thập dữ liệu cá nhân, bao gồm danh sách liên hệ của khách hàng rồi chuyển chúng cho bên thứ ba để sử dụng cho mục đích thương mại mà không xin phép. KCB đã đưa ra cảnh báo phản đối hành vi này.
Các chuyên gia lo ngại 14 triệu tài khoản bị vỡ nợ có thể tạo ra bong bóng trong nền kinh tế, nơi các con số khổng lồ thường được ghi nhận như dòng tiền. Khi số tiền này vượt quá số tiền thực tế liên quan đến các giao dịch, nó có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng và cuối cùng là suy thoái kinh tế. Các nhà quản lý Kenya hiện muốn ngăn chặn cái gọi là cơn sốt cho vay kỹ thuật số. Chính phủ đã yêu cầu Cục Tham khảo Tín dụng xóa bất kỳ tài khoản nào ít hơn 50.000 euro khỏi danh sách vỡ nợ.
Nhưng chỉ thị dường như không thể chấm dứt các cuộc gọi đòi nợ. James Wachira cho biết anh nhận rất nhiều cuộc gọi mỗi ngày. "Chúng gọi cho bạn mỗi ngày. Ngay khi ngày mới bắt đầu, chúng bắt đầu gọi cho bạn nhiều lần và họ có hơn 30 số điện thoại di động khác nhau. Nếu bạn không bắt máy, chúng sẽ gọi cho bạn bằng số khác và số khác nữa", James Wachira nói.