Những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc bao gồm Alibaba, Baidu, Huawei cũng tăng tốc những dự án y tế của riêng mình.
Từ đó, các công ty công nghệ đã tham gia hợp tác với các bác sĩ lâm sàng, các học giả và nhiều tổ chức chính phủ để ứng dụng các công nghệ tiên tiến khi dịch COVID-19 tiếp tục lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dưới đây là những cách mà AI, khoa học dữ liệu và các công nghệ khác đã và đang được sử dụng để quản lý và chống COVID-19 tại Trung Quốc.
Dự báo và phát hiện bệnh nhân
Dù còn nhiều tranh cãi, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng hệ thống giám sát tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt và phần mềm đo nhiệt độ của SenseTime để xác định những người có thể bị sốt và có nhiều khả năng bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Công nghệ tương tự cũng được chính quyền ở tỉnh Tứ Xuyên sử dụng.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển một hệ thống giám sát có tên Health Code sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data) để xác định và đánh giá rủi ro của từng cá nhân dựa trên lịch sử đi lại, việc họ đã dành bao nhiêu thời gian tại các điểm nóng về dịch bệnh và khả năng phơi nhiễm với người mang virus SARS-CoV-2. Công dân sau đó được xác định một mã màu (đỏ, vàng hoặc xanh lục) dựa trên mức rủi ro mắc bệnh của họ. Người dân có thể tìm thấy thông tin này bằng cách truy cập các ứng dụng phổ biến như WeChat hoặc Alipay để xem họ có nên cách ly hoặc được phép đến nơi công cộng.
Tăng tốc độ chẩn đoán bệnh
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã xây dựng một hệ thống chẩn đoán dựa trên AI nhằm giúp các nhân viên y tế tuyến đầu phát hiện và theo dõi bệnh hiệu quả hơn. Với mức độ lây lan ngày càng gia tăng của dịch bệnh, bộ phận chẩn đoán hình ảnh tại nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe đang chịu nhiều áp lực khi khối lượng công việc ngày một tăng lên. Hệ thống của Alibaba sẽ giúp cải thiện tốc độ chẩn đoán các hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) cho các bác sĩ, qua đó giúp đẩy nhanh thời gian chữa trị.
Theo các báo cáo, hệ thống này chỉ mất 20 giây để xác định bệnh nhân có mắc COVID-19 hay không, trong khi trung bình một bác sĩ mất tới 15 phút vì có thể cần tới 300 hình chụp để đánh giá. Alibaba tuyên bố mức độ chính xác của hệ thống này lên tới 96% trong việc chẩn đoán. Đã có khoảng 100 trung tâm y tế trên toàn Trung Quốc sử dụng hệ thống AI của Alibaba.
Xử lý yêu cầu y tế, chia sẻ thông tin về dịch
Dịch COVID-19 không chỉ khiến hoạt động chẩn đoán lâm sàng của các hệ thống y tế bị quá tải, mà còn đẩy cả những bộ phận kinh doanh và hành chính vào thế khó khi họ phải xử lý lượng bệnh nhân quá lớn. Để giải quyết vấn đề này, công ty công nghệ Ant Financial của Trung Quốc đã phát triển một nền tảng sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối). Nền tảng này giúp tăng tốc xử lý những khiếu nại và giảm lượng tương tác trực diện giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, phần mềm WeChat của “đại gia” Tencent có thể giúp người người dân truy cập các dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến miễn phí. Ngoài ra, các chatbot (phần mềm giúp tương tác với từng khách hàng tự động) trên những phần mềm nhắn tin như WeChat cũng là công cụ truyền thông thiết yếu để giúp người dân cập nhật tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo mới nhất từ chính quyền.
Drone và robot tham gia hỗ trợ
Một trong những cách an toàn và nhanh nhất để đảm bảo nguồn cung cấp thiết bị y tế tại nơi cần thiết trong thời gian dịch bệnh là giao hàng bằng drone (máy bay không người lái). Công ty Terra Drone đã sử dụng các drone của mình để vận chuyển các mẫu bệnh phẩm và thiết bị kiểm dịch giữa Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của huyện Tân Xương (tỉnh Chiết Giang) đến bệnh viện Nhân dân với rủi ro lây nhiễm tối thiểu. Drone cũng được sử dụng để tuần tra các không gian công cộng, theo dõi việc những ai không tuân thủ yêu cầu cách ly và kiểm tra hình ảnh thân nhiệt của người đi đường.
Ngoài drone, các robot cũng được sử dụng khá nhiều trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh vì chúng không thể bị nhiễm virus từ người. Nhiều robot đã được triển khai để hoàn thành các công việc như làm sạch, khử trùng, cung cấp thực phẩm và thuốc men nhằm giảm sự tiếp xúc giữa người với người xuống mức thấp nhất.
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số bệnh viện tại thành phố Vũ Hán đã đưa vào sử dụng loại robot có khả năng diệt vi khuẩn bằng đèn tia cực tím (UV). Robot này là sản phẩm của một trường đại học tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Ngoài ra, công ty chuyên về robot giao đồ cho ngành dịch vụ Pudu Technology đã triển khai robot của họ tới hơn 40 bệnh viện trên cả nước.
Phát triển vắc-xin, tìm kiếm thuốc điều trị
Tài nguyên về điện toán đám mây và siêu máy tính của một số công ty công nghệ lớn như Tencent, DiDi và Huawei đang được các nhà nghiên cứu sử dụng để đẩy nhanh tiến độ phát triển các phương pháp chữa bệnh hoặc vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Tốc độ xử lý các tính toán và giải pháp mô hình của những siêu máy tính này cao gấp nhiều lần so với các máy tính tiêu chuẩn.
Đáng chú ý trong số những cái tên này là Huawei - một tập đoàn thiết bị mạng viễn thông và điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc. Bộ phận chuyên về điện toán đám mây của Huawei đã hợp tác cùng với công ty có tên GrandOmics Bioscatics để phát triển một công cụ nghiên cứu, phân tích cấu trúc di truyền của virus SARS-CoV-2, qua đó giúp công cuộc phát triển vắc-xin ngừa virus SARS-COV-2 được đẩy nhanh hơn.
Ngoài ra, hệ thống công nghệ của Huawei cũng đang được các nhà nghiên cứu tận dụng để sàng lọc các loại thuốc nhằm tìm ra loại có thể phù hợp để điều trị COVID-19.