Tờ Aljazeera cho biết “Loại bỏ ứng dụng Trung Quốc” đã đứng vị trí đầu bảng trong kho ứng dụng của điện thoại dùng hệ điều hành Android.
“Loại bỏ ứng dụng Trung Quốc” trở nên phổ biến ở thời điểm có nhiều kêu gọi tẩy chay ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc tại Ấn Độ, bắt nguồn từ tranh chấp ở khu vực biên giới giữa hai quốc gia.
“Loại bỏ ứng dụng Trung Quốc” có logo gồm một đầu rồng và hai chổi đan chéo. “Loại bỏ ứng dụng Trung Quốc” có thể quét các ứng dụng trong điện thoại của người sử dụng, nhận diện các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc.
Người sử dụng sẽ lựa chọn xóa bỏ những ứng dụng của Trung Quốc như TikTok và UC Browser. Sau đó sẽ có thông điệp hiện lên với dòng chữ “Bạn thật tuyệt vời, không còn ứng dụng Trung Quốc nào cả”.
Công ty OneTouch AppLabs có trụ sở tại thành phố miền Tây Jaipur nhận định ứng dụng này là sáng kiến hướng tới một “Ấn Độ tự lực”.
Tuy nhiên, ngày 3/6, Google đã gỡ ứng dụng trên khỏi kho ứng dụng App Store.
Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi không phản hồi về câu hỏi của hãng thông tấn Reuters (Anh) về ứng dụng của OneTouch AppLabs.
Trong tháng 4, Ấn Độ đã ra quy định nghiêm ngặt hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Ấn Độ.
Ông Tanvi Madan tại Viện Brookings (Mỹ) nhận định: “Những lần tẩy chay trước kia thường tập trung vào hàng hóa Trung Quốc trong khi lần này lại nhắm đến các ứng dụng Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Trung Quốc vốn coi Ấn Độ là thị trường tiềm năng”.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới doanh nghiệp như ByteDance – cha đẻ của TikTok và vốn có dự định đầu tư 1 tỷ USD vào Ấn Độ. ByteDance gần đây còn tăng cường tuyển dụng tại Ấn Độ.