Ứng phó với biến chủng Delta đang càn quét thế giới

Biến thể Delta với sự nguy hiểm khó lường đã khiến cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 toàn cầu chao đảo, trong đó có Việt Nam. Nằm lòng việc sử dụng 5k + vaccine chính là vũ khí được hy vọng tiêu diệt Delta hiệu quả nhất hiện nay.

Chú thích ảnh
Sáng 14/8/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng và phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Lây lan chóng mặt, trở nặng nhanh    

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019 tới nay, thế giới đã ghi nhận tất cả 11 biến thể của virus SARS-CoV-2. Trong số này, có 4 biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm “đáng lo ngại cấp độ toàn cầu” gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Song Delta, với tên khoa học là biến chủng B.1.617.1 và được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 2/2021, nguy hiểm nhất và đang là chủng lây nhiễm chủ đạo trên thế giới. Bên cạnh đó, một phiên bản mới và thay đổi đôi chút của biến thể Delta, được gọi là Delta Plus, cũng đang lan rộng ở nhiều nước. Nhưng về cơ bản hai phiên bản Delta này có các thông số khá giống nhau.     

Không giống các biến chủng khác, người nhiễm biến chủng Delta có thể ít triệu chứng hơn, tình trạng mất vị giác thậm chí rất ít được ghi nhận. Tờ Guardian (Anh) đưa tin đau đầu, rát họng, chảy nước mũi, sốt nhẹ là những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến biến thể Delta. Song người nhiễm Delta cũng có rủi ro phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha (B.1.1.7 xuất hiện đầu tiên ở Anh).  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Yevgeny Timakov - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và vaccine hàng đầu của Nga, cho biết biến thể Delta thậm chí có thể học cách “ngụy trang” thành các bệnh nhiễm trùng hay cúm mùa thông thường do rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, đây chính là điểm nguy hiểm của chủng Delta vì tình trạng sức khỏe của người mắc sẽ xấu đi nhanh chóng, bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng trong vòng chỉ 3-4 ngày.    

Giới chuyên gia đánh giá Delta là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, độc tố mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Kênh CNN cuối tháng 7 vừa qua công bố một điều tra cho thấy tốc độ lây lan của biến chủng này cao hơn biến chủng gốc từ 40% - 60%. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng biến thể Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu.    

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. Ảnh: AFP/ TTXVN

GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh - cho biết biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn so với biến chủng Alpha. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với biến thể Alpha. Cứ 100 người tiếp xúc với người bị nhiễm Delta thì 12 người trong số đó có khả năng bị lây nhiễm. Với chủng Alpha, tỷ lệ này là 8 - 9 người.    

Đặc biệt, biến thể Delta lây lan rất mạnh trong môi trường kín. PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - phân tích: “Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke…”.    

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế - đánh giá biến chủng Delta lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước, do tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây.

Chú thích ảnh
Người dân Đà Nẵng tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tuần thực hiện giãn cách để sớm khoanh vùng dập dịch. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tỷ lệ tử vong cao, hệ thống y tế quá tải    

Sự bùng phát của biến chủng Delta đã khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới thêm muôn phần khó khăn, làm thay đổi nhanh chóng đường cong dịch bệnh tại hàng chục nước và đặt ra những thách thức chưa từng có.    

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30-7 cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi – nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa – đã tăng 80% trong cùng giai đoạn. Ông Tedros nói: “Các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Miami, bang Florida, miền Nam nước Mỹ ngày 30/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 135 quốc gia/vùng lãnh thổ, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến nhất trên toàn cầu hiện nay. Nhiều nước tưởng chừng đã khống chế được dịch thì nay lại điêu đứng với làn sóng COVI-19 mới do chủng Delta gây ra.

Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, biến thể Delta chiếm khoảng 88% các ca mắc mới. Đặc biệt, số ca mắc chủng Delta mà chưa tiêm chủng vaccine chiếm gần 97% các ca nặng. Chủng nguy hiểm này một lần nữa đẩy Mỹ trở lại vị trí điểm nóng dịch số một thế giới, khi số ca mắc mới mỗi ngay lại trên 100.000 ca kể từ đầu tháng 8 tới nay.  

Ngay cả những nước vốn có số ca mắc đứng ở mức thấp, biến chủng Delta cũng đang gây ra nhiều quan ngại mới. Đáng chú ý là trường hợp của Nhật Bản, nước vừa tổ chức Thế vận Hội Mùa Hè 2020. Các nhà khoa học Nhật Bản ước tính biến chủng Delta là nguyên nhân gây ra 30% số ca nhiễm mới ở thời điểm cuối tháng 6. Tại Hàn Quốc, Sự xuất hiện của biến chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ này cũng khiến chính quyền phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ở Seoul và vùng phụ cận, đồng thời đẩy nhanh tối đa chương trình tiêm chủng toàn quốc.  

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Pointe-a-Pitre, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở châu Âu, giới chức Đức đang nỗ lực giảm lây nhiễm COVID-19 bằng biện pháp hạn chế di chuyển, nhập cảnh. Hành khách đến từ những quốc gia, khu vực có biến chủng Delta hoành hành mạnh, như Anh, Bồ Đào Nha hay Nga, Ấn Độ, đều phải tuân thủ quy định các ly 14 ngày, dù họ đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có chứng nhận xét nghiệm âm tính.

Tại Anh và một số nước đạt tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao, mối lo ngại có thể được xoa dịu phần nào, khi số liệu cho thấy tiêm chủng giúp giảm thiểu số ca tử vong hoặc bệnh nặng ở mức phải nhập viện. Tuy nhiên, ở nhiều vùng chưa được tiêm chủng, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải kể từ khi chủng Delta xuất hiện. Riêng tại Indonesia, biến chủng Delta đã khiến số ca mắc mới tăng lên mức kỉ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu tiên. Khi tỉ lệ tiêm chủng toàn dân của “quốc gia vạn đảo” mới chỉ đạt 5%, giới chuyên gia y tế nước này cảnh báo trường hợp mắc mới và tử vong vì COVID-19 sẽ còn tăng cao.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ý thức rõ về tốc độ lây lan cũng như những nguy hiểm của biến thể Delta, các nước lại siết chặt phòng dịch bệnh và tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm người chưa tiêm. Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hơn, đặc biệt biến thể Delta dễ lây lan.    

Cũng giống nhiều nước trên thế giới, biến thể Delta với tải lượng virus mạnh, tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn, đang gây áp lực quá tải cho hệ thống y tế đang làm đảo lộn các thành tựu chống dịch của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Khoảng 3 giờ chiều ngày 14/8/2021, rất đông người dân ngồi đợi tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm tại điểm tiêm trường tiểu học An Hội. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Tới hết ngày 14/8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 265.464 ca mắc COVID-19. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), nước ta có thêm 261.463 ca bệnh lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong vì COVID-19 là 5.437 trường hợp.    

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bằng chứng thống kê lâm sàng chỉ ra biến thể mới Delta khiến các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến thể khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.    

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân Công ty TNHH Kakusho Metal Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Làm gì để đánh bại Delta?    

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn khẳng định vaccine là phương pháp hiệu quả nhất trong việc bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới liên tục xuất hiện, kéo theo mối lo lắng về nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, mới đây tuyên bố các vaccine do WHO phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể đối với khả năng bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta”. Khả năng bảo vệ của các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn rất mạnh mẽ, giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và phải nhập viện khi mắc các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người chưa được tiêm phòng thuộc diện nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều.    

Theo giới chức y tế Anh, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tình trạng phải nhập viện với các ca mắc COVID-19 biến chủng Delta. Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết hiệu quả của vaccine Pfizer và AstraZeneca trong ngăn chặn nguy cơ nhập viện với người mắc COVID-19 biến chủng Delta lần lượt là 96% và 92% sau khi tiêm đủ hai mũi.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho người dân tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 cho thấy vaccine Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả 33% với biến chủng Delta 3 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên. Sau khi tiêm đủ hai mũi, hiệu quả với biến chủng Delta của Pfizer là 88% và AstraZeneca là trên 60%.      

Giáo sư Dịch tễ học, Y tế công cộng – Chris Robertson (Đại học Strathclyde) cho biết biến chủng Delta làm tăng nguy cơ nhập viện của người nhiễm nhưng việc tiêm vaccine có thể làm giảm nguy cơ này. Ông cho biết, việc hoàn thiện phác độ với 2 liều vaccine hoặc 1 liều trong vòng 28 ngày sẽ giúp giảm nguy cơ nhập viện tới 70%.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 cho tình nguyện viên ngày 15/8/2021. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Kết luận chung được giới khoa học đưa ra là vaccine vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Vậy đâu sẽ là chiến lược phù hợp nhất để đối phó với biến thể Delta?

Các chuyên gia y tế thế giới đều thống nhất rằng cần phải tiêm đủ 2 mũi vaccine để nâng cao hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta, đồng thời tăng độ che phủ của vaccine trên quy mô dân số để giảm số ca mắc và giảm nguy cơ SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến. Cộng đồng người tiêm vaccine càng lớn, nguy cơ lây nhiễm càng nhỏ. Bên cạnh đó là việc người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng, chống dịch của chính quyền.   

Chú thích ảnh
Người dân Đà Nẵng tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tuần thực hiện giãn cách để sớm khoanh vùng dập dịch. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Với sự xuất hiện của chủng Delta, và có thể cả các biến chủng khác của SARS-CoV-2 trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch COVID-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Người dân cần tiếp tục thực hành thông điệp 5K phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”.

“Đã đến lúc chúng ta cần phải xác định chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả”, và thực hành tốt thông điệp 5K chính là “Lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.    

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cũng cho rằng việc thực hiện chiến lược 5K+Vaccine vô cùng quan trọng ngay khi có dịch và cả khi tình hình mới hiện nay. Vì chúng ta không biết ai mắc bệnh, do đó 5K để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện 5K phải triệt để, đồng bộ, toàn diện… Nếu vi phạm 1 nguyên tắc nào đó thì cũng sẽ là nguy hiểm, vì 5K được xây dựng dựa trên nguyên tắc sự lây truyền của SARS-CoV-2.

Việt Nam đã thành công trong việc chống lại đại dịch COVID-19 ở 3 đợt bùng phát trước đây. Tuy nhiên, để duy trì thành quả này thì nước ta đang đẩy nhanh việc sử dụng vũ khí chủ chốt trong cuộc chiến với SARS-CoV-2 ở đợt bùng phát thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay) – đó là vaccine. Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thông điệp trong tình hình mới chủng Delta bùng phát là “5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) + Vaccine” cần được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn nữa.
Chú thích ảnh

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức (TH, WHO, CNN, Bloomberg)
Ca mắc thấp nhất trong 2 tuần - Dấu hiệu đợt sóng COVID-19 chủng Delta ở Trung Quốc đang suy yếu
Ca mắc thấp nhất trong 2 tuần - Dấu hiệu đợt sóng COVID-19 chủng Delta ở Trung Quốc đang suy yếu

Trung Quốc đã ghi nhận 30 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng vào hôm 14/8, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất có thể đang suy yếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN