Theo hãng tin AFP, với hàng chục giờ đồng hồ video quay những hoạt động của ứng viên tổng thống đảng đối lập Sức mạnh Nhân dân Yoon Suk-yeol, đội ngũ kỹ sư đã tạo ra một hình ảnh kỹ thuật số đại diện cho ông, đặt tên gọi "AI Yoon" như một hình thức vận động trước cuộc bầu cử ngày 9/3.
Deepfake (từ ghép của “deep learning” và “fake”) là một kỹ thuật để tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo. Nó kết hợp và chồng các hình ảnh và video hiện có lên các hình ảnh hoặc video nguồn bằng cách sử dụng một kỹ thuật học máy.
Theo các nhà sáng tạo, AI Yoon được cho là ứng viên tranh cử nhân tạo chính thức đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ deepfake - một khái niệm đang được quan tâm ở Hàn Quốc, quốc gia có tốc độ Internet trung bình nhanh nhất thế giới.
Với mái tóc đen được chải gọn gàng và bộ vest bảnh bao, AI Yoon trông rất giống với ứng cử viên Hàn Quốc người thật. Tuy nhiên, ứng viên “ảo” này lại có những phát ngôn hài hước, mang hàm nghĩa châm biếm nhằm thu hút những cử tri trẻ tuổi xem tin tức trực tuyến.
Ngay từ khi ra mắt vào ngày 1/1, AI Yoon đã thu hút tới hàng triệu lượt xem. Hàng chục nghìn người thích thú đã vào đặt câu hỏi cho vị ứng viên không có thật này.
Ứng viên Yoon người thật đã phải ghi âm trên 3.000 câu, cung cấp 20 giờ âm thanh và hình ảnh để có đủ dữ liệu cho đội ngũ kỹ sư dùng công nghệ deedfake tạo ra ứng viên ảo.
“AI Yoon phải nói những câu mà ứng viên Yoon hay nói”, Baik Kyeong-hoon – giám đốc đội ngũ kỹ sư AI Yoon – giải thích. Thực chất nội dung những câu trả lời của AI Yoon là sáng tạo của đội ngũ vận động tranh cử chứ không do đích thân ông Yoon nghĩ ra.
“Chúng tôi muốn đưa ra những câu trả lời hài hước, châm biếm”, ông Baik chia sẻ.
Những phát ngôn của AI Yoon ngay lập tức gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc và 7 triệu người đã truy cập trang web "Wiki Yoon" để đặt câu hỏi cho AI Yoon. “Nếu chúng tôi chỉ đưa ra những tuyên bố đơn thuần về mặt chính trị, chúng tôi sẽ không nhận lại được phản ứng này”, ông Baik nói.
Tuy nhiên, ứng viên ảo này cũng gặp phải rất nhiều chỉ trích. Đặt biệt danh không mấy thiện cảm cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và đối thủ Lee Jae-myung, AI Yoon bị Ko Sam-seog – một nhân viên trong đội vận động của ứng viên Lee – cho rằng là đi ngược với chuẩn mực chính trị.
Rõ ràng, công nghệ này đã đem đến hiệu quả. Trong khi cuộc bầu cử 9/3 tới vẫn là trận so găng ngang sức ngang tài giữa các ứng viên, ông Yoon đã dẫn trước đối thủ Lee khi xét nhóm cử tri trong độ tuổi 20.
Chuyên gia công nghệ Baik và hai thành viên khác – trong độ tuổi 20, 30 – nằm trong số những người trẻ nhất thuộc đội vận động tranh cử của ứng viên Yoon.
Theo luật bầu cử của Hàn Quốc, các ứng viên ảo được phép tham gia vận động miễn là chúng được xác định rõ dùng công nghệ deepfake và không lan truyền thông tin sai sự thật.
Trước đây, công nghệ này thường bị đánh giá tiêu cực. Một đoạn video sử dụng công nghệ deepfake vào năm 2018 giả mạo cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến người xem không tin tưởng những gì họ chứng kiến trên mạng.
Tuy nhiên, theo ông Baik, AI sẽ là tương lai của các chiến dịch tranh cử sau này.
“Rất dễ dàng khi tái tạo một lượng lớn nội dung với công nghệ này. Deepfake sẽ ngày càng được sử dụng phổ biến hơn là điều không thể tránh khỏi”, Baik khẳng định với phóng viên AFP.