Theo UNHCR, cơ quan này mới chỉ nhận được 1/3 số tiền cần thiết để triển khai các hoạt động khẩn cấp ứng phó đại dịch COVID-19 dự kiến trong năm nay. Việc thiếu kinh phí này đe dọa nghiêm trọng tới các nỗ lực toàn cầu của UNHCR nhằm bảo vệ những người buộc phải rời bỏ nhà cửa do các tác động tác động kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo báo cáo trên, tính đến ngày 31/8 vừa qua, quỹ tài chính dành cho các nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19 mới chỉ thu hút được một khoản viện trợ trị giá 307,3 triệu USD - chỉ bằng 1/3 so với tổng số tiền kêu gọi là 924 triệu USD. UNHCR cho biết điều này có thể khiến những người tị nạn, những người di cư và không quốc tịch có nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn, đồng thời mất thu nhập và có nguy cơ mất nơi ở do các tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Ann Burton - Giám đốc phụ trách y tế cộng đồng của UNHCR - cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương những người bị buộc phải di cư và những người không quốc tịch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả những nguy cơ do chính virus SARS-CoV-2 gây ra”. Bà nêu rõ khi các nền kinh tế bị đóng cửa do đại dịch, những người này thường bị ảnh hưởng đầu tiên, cả trẻ em và người lớn. Thiếu thốn kinh tế đồng nghĩa với nguy cơ họ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà và khó khăn hơn trong việc mua thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác, qua đó làm gia tăng nguy cơ bị bóc lột và bạo lực về giới tính.
Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa đường biên giới do các quốc gia đưa ra để đối phó đại dịch COVID-19 cũng đã gây nguy hiểm hơn cho những người tìm cách vượt biên giới để đến nơi an toàn.
Ngoài COVID-19, các hoạt động khẩn cấp khác của UNHCR cũng đang phải đối mặt tình trạng thiếu kinh phí còn bao gồm cả các công tác nhân đạo tại Iraq và Syria - nơi cuộc sống của hàng triệu người đang bị đe dọa, khi họ phải xoay xở để chống chọi với mùa Đông đang đến gần. Tại Iraq, các hoạt động của UNHCR trong năm nay chỉ nhận được 34% tổng số tài trợ cần thiết, trong khi các hoạt động tại Syria là 39%.
Bà Burton cho biết: “Với vai trò của mình, UNHCR nhắc lại lời kêu gọi tới chính phủ các nước, rằng hãy chia sẻ lượng vaccine dư thừa với COVAX để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu và tránh để đại dịch COVID-19 kéo dài”.
Các hoạt động khẩn cấp khác của UNHCR trên toàn cầu khác tại Venezuela, Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo… hiện cũng mới chỉ nhận được chưa tới 50% số kinh phí cần thiết cho năm 2021.
Báo cáo của UNHCR nêu rõ quan điểm rằng không có tình huống nào là không thể cải thiện được. Điều này đã được thể hiện rõ qua nguồn viện trợ tăng đáng kể dành cho Afghanistan trong những năm gần đây. Hiện các hoạt động cứu trợ tại quốc gia Tây Nam Á này đã không còn nằm trong danh sách 10 công tác khẩn cấp thiếu kinh phí hoạt động nhất của UNHCR trên thế giới.