Bản dự thảo dài 8 trang yêu cầu Israel chấm dứt việc chiếm đóng lãnh thổ Palestine và ngay lập tức dỡ bỏ "sự phong tỏa bất hợp pháp" đối với Dải Gaza cũng như tất cả các hình thức "trừng phạt tập thể" khác.
Dự thảo phản đối "việc Israel sử dụng các vũ khí gây nổ có tác động trên diện rộng" tại các khu vực đông dân cư ở Gaza; bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của vũ khí nổ đối với bệnh viện, trường học, hạ tầng điện, nước và nơi trú ẩn ở vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này; phản đối việc sử dụng nạn đói nhằm vào dân thường như một phương thức chiến tranh.
Dự thảo cũng yêu cầu Israel "nêu cao trách nhiệm pháp lý của nước này trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng", đồng thời kêu gọi các nước ngừng bán hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Israel.
Văn bản này được Pakistan đưa ra, thay mặt 55 trên 56 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - ngoại trừ Albania. Bolivia, Cuba và phái đoàn Palestine tại Geneva là các bên đồng tài trợ cho dự thảo.
UNHCR có 47 thành viên là các quốc gia thành viên LHQ, được bầu tại Đại hội đồng LHQ, trong đó 18 quốc gia thúc đẩy thông qua dự thảo nghị quyết trên. Cần có 24 phiếu thuận để đạt đủ đa số tuyệt đối, song các dự thảo nghị quyết vẫn có thể được thông qua với ít phiếu thuận hơn do có các quốc gia bỏ phiếu trắng.
Nếu được thông qua, dự thảo nghị quyết này sẽ đánh dấu lần đầu tiên cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ đưa ra quan điểm về cuộc xung đột tại Gaza.
Theo số liệu của cơ quan y tế tại Dải Gaza, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay, ít nhất 32.916 người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.