Phát biểu trong chuyến thăm trại tị nạn Wihdat của Jordan ở thủ đô Amman, Tổng thư ký Guterres đã phản đối việc ngăn các dịch vụ quan trọng của UNRWA dành cho người tị nạn Palestine trên toàn khu vực. Ông Guterres nhấn mạnh việc chặn các đoàn xe của UNRWA là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", kêu gọi Israel dỡ bỏ mọi rào cản ngăn hàng viện trợ vào Gaza và cho phép các đoàn xe của UNRWA vào phía Bắc Gaza. Ông nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải đảm bảo cung cấp lượng lớn hàng cứu trợ nhân đạo, điều này đồng nghĩa rằng phải mở thêm cửa khẩu, huy động nỗ lực của tất cả các bên mà không có sự cản trở hay hạn chế nào từ phía Israel. Theo ông, UNRWA đang là niềm hy vọng duy nhất cho hàng triệu người trong khu vực, do đó cần phải cố gắng duy trì các dịch vụ của UNRWA để nuôi dưỡng niềm hy vọng này.
Bên cạnh đó, ông Guterres cho biết ngày càng có nhiều ý kiến nhất trí rằng bất kỳ chiến dịch tấn công trên bộ nào của Israel nhằm vào Rafah, thị trấn ở cực Nam của Gaza và giáp Ai Cập, đều sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo.
Rafah đã trở thành nơi nương náu cuối cùng cho khoảng một nửa dân số Gaza đang tìm cách chạy trốn xung đột trong hơn 5 tháng qua.
Hiện có 30.000 đang làm việc cho UNRWA trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine, Jordan, Liban và Syria để cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác. Tuyên bố của ông Guterres được đưa ra trong bối cảnh UNRWA đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính, do một số quốc gia đình chỉ tài trợ cho UNRWA. Vào ngày 24/3 vừa qua, người đứng đầu UNRWA, Philippe Lazzarini xác nhận Israel đã không cho phép cơ quan này đưa hàng viện trợ tới phía Bắc Gaza, khu vực đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói cao nhất.
Trước đó, một số nước trong đó có Mỹ, Anh, Italy, Đức, Australia, Nhật Bản… đã quyết định tạm dừng tài trợ cho UNRWA, sau những cáo buộc về việc nhân viên của cơ quan này có liên quan đến các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023. Cho đến nay, Canada, Australia và Thụy Điển đã nối lại tài trợ cho UNRWA, trong khi một số nước vùng Vịnh như Saudi Arabia đã tăng viện trợ cho cơ quan này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi một lệnh ngừng bắn, đồng thời gây áp lực buộc Israel cho phép viện trợ nhận đạo mà không bị cản trở.
Jordan đang là nơi sinh sống của 2,4 triệu người tị nạn Palestine, con số lớn nhất trong số các quốc gia láng giềng của Israel.
Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 32.333 người Palestine đã thiệt mạng và 74.694 người bị thương kể từ khi xung đột bùng phát tại Gaza vào tháng 10/2023. Trong khi đó, thống kê của Israel cho thấy xung đột đã khiến 1.160 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường tại nước này.