Quốc gia 6 triệu dân Liban đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã hai năm qua. Tình trạng thiếu nhiên liệu đã khiến chính phủ nước này buộc phải cắt điện trên quy mô lớn, trong khi người dân xếp hàng dài để chờ tới lượt mua tại một số ít các trạm xăng còn mở cửa.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: "Những cơ sở có tính chất quan trọng sống còn như bệnh viện và các trung tâm y tế đã không được tiếp cận nguồn nước an toàn do thiếu điện, khiến cuộc sống người dân gặp rủi ro. Nếu 4 triệu người dân bị buộc phải viện tới các nguồn nước không an toàn và tốn kém, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh dịch tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Liban có nguy cơ phải hứng chịu những dịch bệnh lây lan do sử dụng nước bị ô nhiễm, bên cạnh đại dịch COVID-19 hiện này".
Liban đang phải ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19. Ngân sách quốc gia cạn kiệt khiến nước này không thể chi trả cho các hoạt động nhập khẩu chủ chốt cũng như trợ giá các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng điện, xăng dầu, thuốc chữa bệnh… Công ty dầu mỏ Coral ngày 19/8 thông báo sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho các trạm xăng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1926 công ty này buộc phải làm như vậy.
Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ Liban hàng trăm triệu USD nhưng với điều kiện nước này phải thành lập một bộ máy nội các có thể tiến hành cải cách, giải quyết nạn tham nhũng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo chính trị đang chia rẽ ở Liban vẫn chưa thể nhất trí về một nội các mới sau khi nội các cũ từ chức sau thảm kịch nổ kho hóa chất ở thủ đô Beirut làm hơn 5.000 người thương vong vào đầu tháng 8/2020.