Trong tuyên bố, UNICEF nêu rõ ít nhất 77 triệu trẻ em, tương đương 1 trong 3 trẻ ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) bị suy dinh dưỡng ở một dạng nào đó. Theo UNICEF, có 55 triệu trẻ em tại 20 quốc gia trong khu vực bị đánh giá bị thừa cân hoặc béo phì - cũng được tổ chức này xếp vào một dạng suy dinh dưỡng. Trong khi đó, có 24 triệu trẻ em còi cọc, gầy gò do thiếu dinh dưỡng.
UNICEF nhận định nguyên nhân khiến khủng hoảng suy dinh dưỡng trầm trọng hơn trong khu vực này là do khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng, nước sạch, chăm sóc y tế và các dịch vụ thiết yếu khác, sự gia tăng của các loại thực phẩm nghèo nàn, không lành mạnh, chứa nhiều muối, đường và chất béo. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh xung đột, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu và giá lương thực tăng cao. Tất cả những diễn biến này đã cản trở quyền được hưởng thực phẩm dinh dưỡng của trẻ em và hạn chế khả năng tiếp cận nhân đạo của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Giám đốc khu vực MENA của UNICEF, bà Adele Khodr cho biết chỉ có 1/3 trẻ nhỏ được cung cấp thực phẩm dinh dưỡng. Theo bà, đây là một số liệu thống kê gây sốc và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn khi xung đột, khủng hoảng và các thách thức khác trong khu vực vẫn kéo dài.
Trước tình hình này, UNICEF kêu gọi các chính phủ tập trung kế hoạch và chính sách vào vấn đề dinh dưỡng.
Tháng trước, các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết xung đột, bất ổn kinh tế và biến đổi khí hậu đã cản trở các nỗ lực giảm đói nghèo vào năm ngoái, ảnh hưởng đến khoảng 9% dân số thế giới. Trong báo cáo, họ ước tính khoảng 733 triệu người đã trải qua nạn đói vào năm 2023, con số này gần như giữ nguyên trong 3 năm sau khi tăng mạnh sau đại dịch COVID-19. Tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải và nghiêm trọng, buộc người dân đôi khi phải bỏ bữa, đã ảnh hưởng đến 2,33 tỷ người vào năm ngoái (tương đương 29% dân số thế giới).