Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong khi thế giới đang ngày càng lạc quan về cơ hội sớm có một loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả, các nước đang phát triển vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu đã chuẩn bị đủ liều vaccine để tiêm cho toàn bộ người dân nước họ thông qua các thỏa thuận đặt hàng trước.
Phần lớn các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp đang trông cậy vào COVAX, một sáng kiến toàn cầu đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine.
Ngày 22/1, UNICEF thông báo cơ quan này sẽ phân phối khoảng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển trong năm 2021, chủ yếu cùng cấp cấp cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở đầu chiến tuyến và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch.
“Đây là một thách thức lớn. Số lượng vaccine ngừa COVID-19 cần phân phối lớn gấp đôi so với số lượng các loại vaccine khác chúng tôi đang phụ trách. Tuy nhiên, UNICEF đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa vaccine ngừa COVID-19 tới mọi nơi trên thế giới”, Pablo Panadero, quản lý phụ trách kế hoạch vận chuyển thuộc bộ phận cung ứng của UNICEF, cho hay.
UNICEF chịu trách nhiệm thu mua và cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho 82 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, trong khi Tổ chức Y tế liên Mỹ sẽ mua vaccine cho 10 quốc gia thành viên.
Đầu tháng này, hai tổ chức trên đã thay mặt COVAC Facility tiến hành cuộc đấu thầu, mời tất cả các nhà phát triển thuốc nộp hồ sơ dự thầu cung cấp vaccine cho năm tới.
Theo ông Panadero, những thách thức trong quá trình phân phối có thể xảy ra bao gồm khả năng lưu trữ của các quốc gia và khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, vốn dĩ đã giảm khoảng 20% so với mức trước đại dịch.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 tiếp tục tàn phá nhiều nơi trên thế giới, UNICEF cũng xem xét các lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển vaccine như thế nào.
Từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, số lượng vaccine cho trẻ em mà cơ quan này vận chuyển đến các nước đang phát triển chỉ gần bằng một nửa số lượng được giao trong một năm thông thường. Đây là ví dụ cho thấy sự sụt giảm trầm trọng do tác động của đại dịch COVID-19 gây ra đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Ông Panadero cho biết UNICEF đã xem xét nguy cơ này và do đó đang làm việc với ngành vận tải hàng không để đảm bảo rằng họ có thể "phản ứng một cách linh hoạt", hỗ trợ phân phối vaccine.
Để đưa vaccine tới các nước, kể cả những nước đang bị ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa, một phương án thích hợp nhất cho UNICEF là vận chuyển hàng hóa bằng máy bay riêng.
Tuần trước, UNICEF, Tổ chức Y tế liên Mỹ và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã thông báo cho các hãng hàng không lớn trên toàn cầu về yêu cầu số lượng máy bay dự kiến và thảo luận về cách vận chuyển gần 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2021.
Việc bảo quản vaccine trong quá trình vận chuyển cũng là một trong những vấn đề hàng đầu cần được ưu tiên giải quyết. Trong một vài tuần trở lại đây, một số công ty dược phẩm đã tuyên bố kết quả thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả tới 94-95%. Một số vaccine hứa hẹn như sản phẩm của Moderna phải được bảo quản trong nhiệt độ -20 độ C hay của Pfizer là -70 độ C.
“Lợi thế của UNICEF là có kinh nghiệm, hệ thống mạng lưới để giải quyết vấn đề đó. Chúng tôi có kinh nghiệm vận chuyển vaccine ngừa bại liệt – một loại vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C”, ông Panadero chia sẻ.
Ông nói thêm: “Trong hàng chục năm qua, UNICEF đã làm việc với các bộ y tế, với các chính phủ để xây dựng những hệ thống chuỗi cung ứng lạnh phục vụ việc tiêm chủng. Đội ngũ quốc tế của chúng tôi đang phối hợp với các quốc gia để liệt kê các yêu cầu về việc bảo quản lạnh cũng như phát hiện lỗ hổng tiềm ẩn nào. Các cuộc diễn tập đang được triển khai và chúng tôi sẽ xác định chỗ nào có lỗ hổng, chỗ nào cần được tăng cường đầu tư”.