Trong danh sách trên, đảng Pheu Thai dẫn đầu với 136 nghị sĩ trúng cử, tiếp theo là đảng Palang Pracharath với 97 nghị sĩ. Các đảng còn lại gồm Bhumjaithai được 39 ghế, đảng Dân chủ 33 ghế, đảng Tương lai Mới có 30 ghế, đảng Chartthaipattana 6 ghế, đảng Prachachat 6 ghế, đảng Liên minh Hành động vì Thái Lan và đảng Chartpattana đều có 1 ghế.
Tổng cộng có 350 nghị sĩ được bầu tại các khu vực bầu cử, tuy nhiên, 1 ghế chưa được công bố tại tỉnh Chiang Mai do người trúng cử ghế này thuộc đảng Pheu Thai bị loại vì bị phát hiện hối lộ. Cuộc bầu cử bổ sung ghế này sẽ được tổ chức vào ngày 26/5 tới nhưng đảng Pheu Thai không được bổ sung ứng cử viên thay cho người bị loại.
Phó Tổng thư ký EC Sawang Boonmee nêu rõ, không phải tất cả 349 nghị sĩ trúng cử nói trên đều hoàn toàn không có trở ngại vì vẫn có thể bị xem xét tư cách đại biểu kể cả khi đã nhậm chức. Ông cho biết EC đang điều tra khoảng 40 vụ việc liên quan việc xem xét tư cách đại biểu và gian lận bầu cử. Ông Sawang Boonmee nhấn mạnh nếu bị kết tội, các nghị sĩ được thông qua vẫn có thể mất ghế và đối mặt với hình phạt.
Hạ viện Thái Lan gồm 500 ghế với nhiệm kỳ 4 năm, trong đó 350 hạ nghị sĩ bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử và 150 hạ nghị sĩ được bầu gián tiếp theo danh sách đảng.
EC dự kiến sẽ công bố danh sách 150 hạ nghị sĩ trúng cử theo danh sách đảng vào ngày 8/5, sau khi Tòa án Hiến pháp quyết định liệu cách thức phân bổ số ghế cho các đảng mà EC dự định áp dụng có hợp hiến hay không.
Thượng viện Thái Lan gồm 250 ghế do Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm. Theo quy định, các thượng nghị sĩ phải được bổ nhiệm trong vòng 3 ngày kể từ khi kết quả bầu cử Hạ viện được thông qua.
Nhiệm vụ đầu tiên của Thượng viện là họp chung với Hạ viện để bầu ra Thủ tướng mới. Người đắc cử Thủ tướng phải hội đủ 376 phiếu trên tổng số 750 phiếu trong phiên họp lưỡng viện. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ được thành lập, chỉ có các hạ nghị sĩ có quyền bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ.