Hãng thông tấn AFP đưa tin đó là kết quả của nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về việc ước tính số ca tử vong được ngăn ngừa trực tiếp và gián tiếp nhờ tiêm vaccine COVID-19. Kết quả vừa được nhóm chuyên gia tại Đại học Imperial London công bố trên tạp chí The Lancet Infatology Diseases, dựa trên số liệu của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ được thu thập từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.
Theo đó, đã có khoảng 19,8 triệu ca tử vong được ngăn ngừa trong số 31,4 triệu ca tử vong có thể xảy ra nếu không có vaccine, tương ứng với 63%.
Nghiên cứu này sử dụng các số liệu chính thức hoặc ước tính về số ca tử vong do COVID-19, cũng như tổng số ca tử vong vượt mức của mỗi quốc gia. Sau đó, các chuyên gia đã so sánh số liệu với một kịch bản giả định trong đó không sử dụng vaccine ngừa COVID-19.
Mô hình trên đã tính đến sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia, cũng như sự khác biệt về hiệu quả của các loại vaccine khác nhau.
Trung Quốc không được đưa vào nghiên cứu này vì có dân số đông và nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt khiến kết quả bị sai lệch.
Việc các quốc gia thu nhập cao và trung bình là những nơi có số ca tử vong được ngăn chặn cao nhất, với khoảng 12,2 triệu trên tổng số 19,8 triệu ca, đã phản ánh sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine trên toàn thế giới.
Ngoài ra, các nước có thể ngăn chặn thêm gần 600.000 ca tử vong khác nếu như mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số mỗi nước vào cuối năm 2021 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra được hoàn thành.
Theo WHO, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,3 triệu người trên toàn cầu. Nhưng tổ chức này cho rằng con số thực có thể lên tới 15 triệu, khi tất cả các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp đều được tính đến.
Virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trở lại ở một số nơi trên thế giới, trong đó có châu Âu - nơi đang chứng kiến các biến thể phụ Omicron hồi sinh trong thời tiết ấm áp.