Trong tháng 7, Ai Cập tuyên bố sản xuất thành công những liều vaccine COVID-19 đầu tiên. Hãng DW (Đức) cho biết đây là bước đi quan trọng đối với quốc gia có 104 triệu dân mới chỉ có 1% dân số tiêm đủ 2 liều vaccine. Bên cạnh đó, diễn biến này còn được coi là tiến triển của chính sách đối ngoại Ai Cập.
Trong những ngày qua, UAE với 82% dân số được tiêm vaccine cùng Thổ Nhĩ Kỳ (36%), Algeria (3%) và Saudi Arabia (30%) đều đã tặng hoặc tuyên bố tặng khoảng 1,75 triệu liều vaccine COVID-19 cho Tunisia. Ông Yasmina Abouzzohour tại Trung tâm Brookings Doha (Qatar) đánh giá: “Việc tặng vaccine này sẽ xúc tiến mục tiêu ngoại giao của Abu Dhabi, Ankara, Algiers và Riyadh".
Nguồn nước quý giá
Ngoại giao vaccine có thể được tận dụng để tăng cường mục tiêu chính sách đối ngoại tại Trung Đông và châu Phi. Cái bắt tay giữa công ty nhà nước sản xuất vaccine Ai Cập Vacsera cùng Sinovac của Trung Quốc dự kiến tạo ra 80 triệu liều để tiêm cho 40% dân số nước này vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc tự sản xuất trong nước còn tạo điều kiện để Ai Cập trở thành trung tâm vaccine của châu Phi.
Châu Phi đang rất cần vaccine COVID-19 khi thống kê công bố trong tháng 7 cho thấy chưa đầy 2% dân số 1,3 tỷ người dân “lục địa Đen” mới được tiêm 1 mũi vaccine. Có khả năng Ai Cập sẽ dùng vaccine COVID-19 để đổi lại thứ quan trọng nhất hiện nay trong đối ngoại của nước này, đó là nước.
Ai Cập phụ thuộc nhiều vào nước từ sông Nile vốn chảy qua 9 quốc gia châu Phi khác. Ai Cập trong những tháng gần đây đã bận rộn ký nhiều thỏa thuận về phát triển quân sự và kinh tế với nhiều quốc gia châu Phi, điều này bắt nguồn từ nỗi sợ của Cairo liên quan đến kế hoạch đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia trên sông Nile.
Ethiopia coi việc xây dựng đập thủy điện trên sông Nile này là quyền cơ bản, có thể mang điện đến hơn nửa dân số nước này. Trong khi đó, Ai Cập lo ngại số phận của quốc gia đang rơi vào tay nước khác.
Báo Washington Post (Mỹ) đánh giá tình trạng thiếu nước có thể gây ảnh hưởng đến nông nghiệp dẫn đến hậu quả khó lường cho 100 triệu người dân Ai Cập. Do vậy, vaccine COVID-19 có thể coi là cơ hội để Ai Cập thúc đẩy các mục tiêu liên quan đến vấn đề sông Nile.
Tranh chấp lãnh thổ
Morocco cũng công bố kế hoạch tự sản xuất vaccine và đầu tư khoảng 500 triệu USD để phối hợp với Sinopharm cùng Recipharm (Thụy Điển). Khoảng 1/3 dân số 37 triệu người của Morocco đã được tiêm tối thiểu 1 liều vaccine COVID-19. Như vậy việc tự sản xuất đồng nghĩa với khả năng Morocco có thể cung cấp vaccine cho các nước láng giềng ở châu Phi.
Các nhà kinh tế học nhận định đây là phương thức để Morocco có thêm thu nhập từ xuất khẩu y tế. Còn ông Abouzzohour lại bổ sung: “Morocco sẽ đẩy mạnh được hình ảnh và tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi hạ Sahara, cả hai mục đích này đều được Morocco theo đuổi từ năm 2016”.
Mục tiêu dài hạn của Morocco là có thêm nhiều thành viên của Liên minh châu Phi ghi nhận chủ quyền của nước này trong tranh chấp lãnh thổ tại Tây Sahara.
Cực ảnh hưởng
Công ty G42 của UAE đã cùng bắt tay với Sinopharm của Trung Quốc để tự sản xuất vaccine COVID-19 của nước này có tên Hayat. UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên tự sản xuất vaccine COVID-19 vào tháng 5.
Thành công này đã đem đến lợi ích kinh tế tích cực cho UAE. Tỷ lệ tiêm vaccine cao khiến nhiều người nước ngoài quay trở lại UAE để làm việc hoặc du lịch. Chính phủ UAE cũng coi đây là cơ hội để nước này đa dạng ngành công nghiệp, không chỉ xoay quanh sản xuất dầu mỏ.
Trong tháng 4, UAE tuyên bố sẽ hỗ trợ xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine tại Indonesia, quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới. Indonesia cũng là nơi UAE đã triển khai nhiều thỏa thuận phát triển trị giá nhiều triệu USD trong những năm gần đây.
Đến tháng 7 này, UAE đồng ý hỗ trợ Serbia tạo cơ sở sản xuất vaccine. UAE đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất cho Serbia trong hơn một thập niên qua.
Viện Trung Đông tại Mỹ đánh giá: “Việc ủng hộ Serbia giúp UAE tạo được chỗ đứng trong khu vực giao giữa châu Âu và Trung Đông, đồng thời tạo cơ hội để UAE để mắt đến đối thủ Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang hoạt động tích cực tại vùng Balkan”.