Tại Sri Lanka và Campuchia, Alpha (B.1.1.7) - biến thể được phát hiện lần đầu tại Anh đang phổ biến trong các ca mắc mới. Vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA của BioNtech/Pfizer và Moderna hiện được cho là “vũ khí hiệu quả” chống lại biến thể Alpha. Vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson cùng Sputnik, Novavax cũng được đánh giá bảo vệ tốt trước biến thể Alpha.
Tại Ấn Độ và Nepal, biến thể Delta (B.1.617) đã lây lan mạnh. Delta (B.1.617) được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ đã nhận diện được 8 biến đổi trong protein gai của biến thể Delta (B.1.617). Đại học Hoàng gia London (Anh) trong khi đó đánh giá biến thể Delta có khả năng lây truyền nhanh hơn Alpha từ 20-80%.
Delta còn có thể “qua mặt” hệ miễn dịch của người từng mắc COVID-19 đã khỏi hoặc người từng tiêm vaccine. Như vậy, nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London cho thấy vaccine của BioNtech/Pfizer và AstraZeneca có thể giảm hiệu quả trong bảo vệ người tiêm trước biến thể Delta. Dù vậy, tiêm vaccine vẫn được đánh giá là biện pháp tốt để giảm tỷ lệ lây nhiễm của các biến chủng.
Tại Bangladesh, biến thể Beta (B.1.351) được phát hiện lần đầu tại Nam Phi đang lây lan rộng. Vaccine của AstraZeneca được cho có năng lực bảo vệ trước biến thể này, dù không đạt mức tối đa. Tờ New York Times (Mỹ) cho biết giáo sư Adi Stern tại Đại học Tel Aviv (Israel) đã thực hiện nghiên cứu về chương trình tiêm vaccine Pfizer tại nước này và nhận thấy có khả năng nửa tháng sau khi tiêm mũi thứ 2, người tiêm có thể miễn nhiễm với biến thể Beta (B.1.351).
Sáng 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã xuất hiện thêm biến thể virus SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa Alpha (B.1.1.7) và Delta (B.1.617). Trong nửa cuối năm 2021, Việt Nam có kế hoạch nhập vaccine phòng COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA từ Biontech/Pfizer và Moderna. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào liên quan đến những vaccine phòng COVID-19 hiện hành và biến thể virus SARS-CoV-2 mới lai tạo xuất hiện ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh vaccine vẫn là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 với lợi ích về y tế công cộng và phòng dịch. Do vậy WHO khuyến cáo không nên trì hoãn tiêm vaccine COVID-19 chỉ vì lo ngại biến thể virus SARS-CoV-2. Phương pháp then chốt hiện nay để ngăn chặn phát sinh biến thể virus SARS-CoV-2 là ngừng sự lây lan của dịch COVID-19.