Moderna nêu rõ, vaccine kết hợp có tên mRNA-1083, sử dụng công nghệ RNA thông tin, đã tạo ra lượng kháng thể lớn hơn so với các loại vaccine phòng cúm truyền thống và vaccine ngừa COVID-19 Spikevax sử dụng công nghệ mRNA đang lưu hành trên thị trường hiện nay. Vaccine này củng cố khả năng miễn dịch cao hơn chống lại hai chủng cúm A H1N1, H3N2 và một chủng cúm B (B/Victoria) ở người lớn tuổi hơn khi so sánh với các mũi tiêm phòng cúm của GSK và Sanofi đang được sử dụng rộng rãi. Đây là 3 chủng cúm mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 3 năm nay đã khuyến nghị các nhà sản xuất dược phẩm nhắm mục tiêu khi phát triển vaccine phòng cúm mùa năm 2024.
Dữ liệu mới nhất nói trên được thu thập và so sánh với hai nhánh trong một nghiên cứu lớn hơn có sự tham gia của khoảng 8.000 người. Nhánh một gồm những người thử nghiệm tiêm vaccine kết hợp Fluarix của GSK cho người từ 50-64 tuổi. Nhánh thứ hai tiêm vaccine liều cao Fluzone HD của hãng Sanofi cho người từ 65 tuổi trở lên.
Cũng theo Moderna, vaccine kết hợp mRNA-1083 được đánh giá là an toàn và có thể chấp nhận được trong nghiên cứu mới nhất. Tỷ lệ các tác dụng phụ tương tự như những tác dụng phụ của các vaccine khác được sử dụng trong cuộc thử nghiệm này. Theo đó, các tác dụng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau cơ và đau đầu.
Chủ tịch tập đoàn Moderna Stephen Hoge cho biết hãng dự kiến công bố kết quả thử nghiệm đầy đủ tại một hội nghị y tế sắp tới, đồng thời bày tỏ sẽ có thể đưa ra thị trường vaccine kết hợp mRNA-1083 để phòng các bệnh đường hô hấp mùa Thu sớm nhất vào năm 2025 hoặc năm 2026.