Phát biểu tại diễn đàn tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Chúng ta sẽ không đánh bại được virus SARS-CoV-2 nếu chúng ta bỏ lại một bộ phận người dân nào". Theo các nhà tổ chức, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực để giải quyết những thách thức của thế giới, diễn đàn tập trung vào khả năng tiếp cận rộng rãi và bình đẳng đối với vaccine ngừa COVID-19.
Nhà khoa học hàng đầu của Mỹ, ông Anthony Fauci cho biết vaccine ngừa COVID-19 vừa được hai tập đoàn Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức công bố thử nghiệm thành công với hiệu quả liên tới 90% đã mang đến hy vọng khống chế được dịch bệnh đang khiến hơn 10.000 người tử vong trên thế giới chỉ trong 24 giờ qua.
Trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của người dân trên thế giới. Ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bào chế thành công một loại vaccine hiệu quả, song người đứng đầu WHO cũng kêu gọi cần chia sẻ vaccine phòng COVID-19 với các nước nghèo.
Chương trình của Diễn đàn Hòa bình Paris năm nay đặt trọng tâm vào trật tự quốc tế hậu COVID-19 và sự chuyển đổi cơ bản của một hệ thống đa phương trong khủng hoảng. Vấn đề ưu tiên là sự tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, mà việc phân phối có nguy cơ diễn ra không công bằng. Việc hai hãng dược trên thông báo có thể có vaccine vào cuối năm nay càng khiến vấn đề này trở nên cấp thiết hơn.
Đặc biệt, một số phiên thảo luận sẽ kêu gọi các chính phủ, công ty dược phẩm, nhà khoa học và quỹ từ thiện, nhằm mục tiêu phối hợp hành động để cung cấp tất cả các loại vaccine, xét nghiệm và điều trị chống lại đại dịch. Diễn đàn dự kiến sẽ công bố các khoản đóng góp bổ sung lên đến 500 triệu USD từ Ủy ban châu Âu, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Quỹ Bill and Melinda Gates.