Theo Đại học Oxford, loại vaccine này được bào chế để sử dụng cho nhóm trẻ em từ 5 - 36 tháng, nhóm tuổi có nguy cơ tử vong vì sốt rét cao nhất. Đại học Oxford hy vọng loại vaccine này có thể giúp trẻ em Ghana và các nước châu Phi khác phòng ngừa hiệu quả bệnh sốt rét.
Hồi tháng 9/2022, Đại học Oxford cho biết liều tăng cường của loại vaccine ngừa sốt rét này duy trì được hiệu quả bảo vệ cao, đồng thời hy vọng rằng loại vaccine giá thành rẻ này có thể được sản xuất trên quy mô lớn trong vài năm tới. Nhóm nghiên cứu vaccine cho rằng đây có thể là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại căn bệnh do ký sinh trùng gây ra và lây lan qua đường mỗi đốt vốn khiến 627.000 người, hầu hết là trẻ em ở châu Phi, tử vong chỉ riêng trong năm 2020.
Năm ngoái, một loại vaccine ngừa sốt rét khác do hãng dược phẩm GSK của Anh bào chế đã trở thành vaccine phòng sốt rét đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng rộng rãi để chống lại căn bệnh này. Hiện vaccine này đã được cung cấp cho trên 1 triệu trẻ em ở châu Phi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine do GSK phát triển là khoảng 60% và giảm dần theo thời gian ngay cả khi tiêm liều tăng cường.
Hơn nữa, việc thiếu kinh phí và tiềm năng thương mại đã cản trở khả năng sản xuất của hãng này. GSK đã cam kết sản xuất tới 15 triệu liều vaccine ngừa sốt rét mỗi năm đến năm 2028, thấp hơn nhiều mức cần thiết trong dài hạn mà WHO xác định là khoảng 100 triệu liều mỗi năm để đáp ứng nhu cầu cho khoảng 25 triệu trẻ em. Liệu trình tiêm loại vaccine ngừa sốt rét này là 4 mũi.
Trong khi đó, nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy vaccine của Đại học Oxford có hiệu quả 77%, là loại vaccine ngừa sốt rét đầu tiên vượt mức mục tiêu 75% của WHO. Loại vaccine này cũng có thể được sản xuất ở quy mô lớn hơn, lên tới 200 triệu liều mỗi năm, nhờ thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ.