Theo tờ Business Insider, phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen sẽ sớm được nối lại.
Sau đó, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã đưa tin thỏa thuận được thực hiện thông qua vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, ngày 29/10, Nga quyết định ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen với Ukraine nhằm trả đũa vụ hạm đội của Nga ở Crimea bị máy bay không người lái tấn công. Nga cho rằng phía Ukraine đứng sau vụ việc này. Nga từng tuyên bố chỉ nối lại thỏa thuận ngũ cốc sau khi điều tra xong vụ việc.
Trong bối cảnh phương Tây cô lập Nga cả về ngoại giao và kinh tế, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên quan trọng.
Trong suốt cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm, động thái khác với các nước phương Tây. Nước này đã từ chối trừng phạt Nga và đã cho các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt một điểm đến an toàn, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc xung đột.
Vào tháng 9, Tổng thống Erdogan đã nói với chương trình PBS News Hour rằng Nga không nên chỉ rút lui khỏi lãnh thổ đã chiếm từ ngày 24/2 mà còn phải trả lại Crimea cho chủ sở hữu hợp pháp. Ông nói thêm: “Các vùng đất bị xâm chiếm sẽ được trả lại cho Ukraine”.
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít quốc gia dường như có thể đưa cả hai bên vào bàn đàm phán. Ông Erdogan ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trong khu vực trong các cuộc thảo luận giữa Nga và Ukraine.
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ban đầu do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cùng với Liên hợp quốc. Thỏa thuận này có mục đích ngăn chặn khủng hoảng nạn đói trên toàn cầu khi Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Tổng thống Erdogan cũng đóng vai trò quan trọng trong một cuộc trao đổi tù nhân, trong đó Nga trả tự do cho các chỉ huy Ukraine. Đây là những người đã hoạt động tại các nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Họ là những cá nhân mà trước đó Nga đã cảnh báo sẽ đưa ra trước tòa án quân sự và có thể sẽ xử tử.
Ông cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình sơ bộ giữa Nga và Ukraine tại Istanbul vào tháng 3 dù cuộc đàm phán hòa bình không đi đến đâu.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan phải đối mặt với khoảng thời gian khó khăn khi bước vào một năm bầu cử trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, lạm phát cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trên trường quốc tế, diễn biến mới nhất liên quan thỏa thuận ngũ cốc có thể khiến phương Tây ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng tới.
Sau diễn biến mới nhất này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đích thân cảm ơn ông Erdogan vì đã tham gia tích cực trong duy trì thỏa thuận ngũ cốc, vì ủng hộ kiên định đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Sau đó, Tổng thống Erdogan thông báo với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông đã thảo luận với ông Zelensky về việc chuyển ngũ cốc tới các nước châu Phi, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất ông đưa ngũ cốc đến các nước như Djibouti, Somalia và Sudan trước, xét tình hình trên thực tế ở đó.
Những ai đã theo dõi diễn biến trong những tháng gần đây ngày càng nhận thức được vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Tổng thống Erdogan .
Ông Andrei Sizov, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường nông sản SovEcon, viết trên Twitter: “Tôi đã từng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể có tiếng nói cuối cùng ở đây nhưng không ngờ rằng họ có ảnh hưởng nhiều đến ông Putin đến vậy. Thực sự tôi tự hỏi bí mật của ông Erdogan là gì”.