Đây là đánh giá trong báo cáo sơ bộ của Ủy ban độc lập về công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch, được công bố tối 18/1. Văn kiện này sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp hiện nay của Ban điều hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Báo cáo cuối cùng sẽ được công bố tại cuộc họp toàn thể của WHO vào tháng 5/2021.
Báo cáo cho rằng WHO và Trung Quốc, nước xuất hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, có thể hành động nhanh hơn trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát. Ngay cả vào tháng 1/2020, khi WHO tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng - mức báo động cao nhất có thể theo Quy định về y tế quốc tế, nhiều nước vẫn có rất ít biện pháp ở trong và ngoài nước để ngăn ngừa dịch lây lan. Theo báo cáo, lẽ ra tất cả các nước có nguy cơ lây nhiễm bệnh phải ngay lập tức triển khai các biện pháp phòng dịch cần thiết. Cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, đồng chủ tịch ủy ban độc lập, cho rằng các nước thành viên đặt nhiều kỳ vọng vào WHO trong việc “xác nhận nguy cơ bùng phát, triển khai các nguồn lực hỗ trợ và kiềm chế dịch”, nhưng “quyền hạn và ngân sách để (WHO) thực hiện các chức năng này lại hạn chế”.
Báo cáo cũng đánh giá hệ thống cảnh báo và phản ứng quốc tế chưa phù hợp với mục đích cũng như thời đại kỹ thuật số hiện nay. Theo bà Ellen Johnson Sirleaf, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của cơ chế hợp tác đa phương trong ngăn ngừa và ứng phó với dịch bệnh. Bà nói: “Căng thẳng về địa chính trị đã cản trở hành động ứng phó, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại và thay đổi cách thức mà hệ thống quốc tế và các quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ y tế toàn cầu”.
Báo cáo bày tỏ đặc biệt quan ngại trước tình trạng gia tăng đáng kể số ca mắc và tử vong do COVID-19, trong bối cảnh từ ngày 1/1 đến nay, thế giới ghi nhận trung bình gần 12.500 ca tử vong mỗi ngày.
Ủy ban độc lập về công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch do Tổng giám đốc WHO thành lập, gồm 13 thành viên, có nhiệm vụ đánh giá những kinh nghiệm và bài học rút ra trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19. Đồng chủ tịch ủy ban có bà Ellen Johnson Sirleaf và cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark.