Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Á như Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gombojav Zandanshatar, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol, cùng nhiều quan chức và chuyên gia cấp cao đến từ nhiều nước ở châu Á.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã đề cập đến vai trò của ASEAN và nhấn mạnh Nhật Bản chuẩn bị chiến lược kéo dài một thập kỷ để ASEAN là trung tâm ô tô xanh hơn. Ông cho biết Nhật Bản và ASEAN sẽ xây dựng chiến lược kéo dài một thập kỷ để dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo. Ông Kishida cho rằng: "Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu hiện đang trải qua một làn sóng thay đổi mang tính cách mạng. Thập kỷ tới sẽ rất quan trọng trong việc xác định người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này". Thủ tướng Kishida tiết lộ rằng Nhật Bản sẽ lần đầu tiên xây dựng chiến lược ô tô trong 10 năm tới đến năm 2035.
Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), một tổ chức tư vấn quốc tế có trụ sở tại Jakarta do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, để hoạch định chiến lược trở thành trung tâm công nghiệp cho xe hybrid, xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường khác. Theo ông Kishida, chiến lược này là để đảm bảo ASEAN duy trì vị trí trung tâm của thế giới trong ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo. Ông nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp ô tô là biểu tượng của mối quan hệ đối tác kinh tế lâu dài giữa Nhật Bản và các nước ASEAN”.
Ông Kishida cũng đề cập đến "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC)- một sáng kiến xanh do Nhật Bản dẫn đầu bao gồm Australia và các thành viên ASEAN, đồng thời cho biết sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai tại Jakarta vào tháng 8/2024. Ông Kishida cho biết cuộc họp tiếp theo sẽ khởi động các sáng kiến hợp tác trên toàn AZEC về công nghệ, tài chính, thể chế và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực điện, giao thông và công nghiệp, vốn là chìa khóa cho quá trình khử carbon.
Ông cũng đề cập rằng Nhật Bản sẽ giúp các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo ở Nhật Bản và ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng AI trong khu vực, với mục tiêu phát triển 100.000 chuyên gia kỹ thuật số tiên tiến trong vòng 5 năm tới.
Về quan hệ quốc tế, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa quốc gia và khẳng định sự cần thiết của hợp tác chặt chẽ với các đối tác khác, như Mỹ và châu Âu, để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Đề cập đến việc Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần này lần đầu tiên sau 4 năm rưỡi, ông Kishida nói: “Chúng tôi sẽ khôi phục tiến trình ba bên Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc và xây dựng sự hợp tác thực tế giữa ba nước, vốn có chung trách nhiệm to lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực”.
* Cùng ngày, trong khuôn khổ tham dự hội nghị, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bày tỏ mong muốn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tăng gấp đôi sức mạnh kinh tế để gắn kết các nước lại với nhau. Ông nói: “Những gì ASEAN cần là một cách tiếp cận tích cực và năng động hơn để đảm bảo rằng khối này vẫn là một lực lượng gắn kết”.
Theo kế hoạch, Malaysia sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của khối vào năm 2025 trong bối cảnh khu vực này ngày càng phát triển như một cơ sở sản xuất cho các công ty toàn cầu.
Ông Anwar khẳng định: “Trọng tâm của tôi sẽ là nền kinh tế, trong việc tăng cường ASEAN để tập trung hơn vào thương mại, đầu tư, hợp tác chung, lợi thế so sánh và tôi nghĩ chúng ta cần khám phá nhiều hơn. Đó sẽ là ưu tiên của tôi".
Thủ tướng Malaysia nói rằng khối Đông Nam Á gồm 10 thành viên đã tương đối thành công và vẫn là một trong những tổ chức khu vực hòa bình nhất với rất ít hoặc không có xung đột giữa các thành viên.
Ông lưu ý rằng các nước phát triển như Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế ASEAN, vốn được hưởng lợi từ đầu tư và thương mại của Nhật Bản. Ông Anwar cho biết ông muốn mở rộng sự hợp tác như vậy ngoài thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, trao đổi công nghệ và văn hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gombojav Zandanshatar cho biết quốc gia này đang tiến hành cải cách để giảm tham nhũng và củng cố chế độ dân chủ.
Ông Gombojav Zandanshatar thừa nhận: "Mông Cổ phải đối mặt với những thách thức. Nhưng những cải cách chính sách và pháp lý quan trọng đang được tiến hành để loại bỏ tham nhũng, củng cố nhà nước pháp quyền và đảm bảo tính minh bạch".
Ông cho biết để tăng cường kiểm tra và cân bằng, Quốc hội Mông Cổ đã thông qua cải cách hiến pháp vào năm ngoái, mở rộng cơ quan lập pháp từ 76 lên 126 thành viên. Nước này dự kiến tổ chức cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên theo hệ thống mới vào cuối tháng 6.
Về chính sách đối ngoại, Mông Cổ đang theo đuổi cách tiếp cận "hàng xóm thứ ba", nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia ngoài hai gã khổng lồ ngay cạnh - Nga và Trung Quốc. Mông Cổ hy vọng chiến lược này sẽ giúp nước này đa dạng hóa các đối tác kinh tế và trở nên tự chủ hơn.
Cũng nhấn mạnh đến mục tiêu kinh tế, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol cho biết ưu tiên của Chính phủ Campuchia là tăng trưởng kinh tế. Ông nói: “Campuchia cam kết đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và chuyển sang quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050”. Ông cho biết thêm rằng nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7% trong 20 năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Với mong muốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để đạt được các mục tiêu kinh tế của mình, Phó Thủ tướng Campuchia khẳng định: “Chúng tôi là bạn của tất cả mọi người. Chúng tôi là một quốc gia dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 diễn ra trong hai ngày 23 - 24/5 với phát biểu của các diễn giả là những chính trị cấp cao và chuyên gia hàng đầu khu vực để thảo luận về vai trò của châu Á trong thế giới ngày càng bất định.