Dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến các quốc gia phải đổ xô đi mua máy trợ thở nhằm chuẩn bị trước viễn cảnh số ca bệnh tăng mạnh.
Tuy nhiên, bản thân máy trợ thở không thể tự hoạt động. Để thiết bị được vận hành một cách trơn tru và có hiệu quả, vai trò của những chuyên viên trị liệu hô hấp không thể nào không nhắc đến.
“Nó không chỉ là một chiếc máy mà chúng ta nói trên các chương trình thời sự rằng chúng ta không có đủ. Vấn đề này rất phức tạp”, kênh CNN dẫn lời bà Julie Eason – Giám đốc trung tâm trị liệu hô hấp thuộc bệnh viện Đại học Brooklyn (Mỹ) – đưa tin.
“Nếu như không đặt máy thở đúng, hiệu quả lên mỗi bệnh nhân cũng sẽ khác nhau. Các bạn cần những người chuyên môn có nhiều kinh nghiệm vận hành máy trợ thở để có kết quả tốt nhất”, bà Julie cho biết.
Chuyên viên trị liệu hô hấp là người được đào tạo đặc biệt để chữa trị cho những bệnh nhân gặp vấn đề về đường hô hấp. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, công việc không mấy quen thuộc này lại ngày càng được nhiều người biết hơn so với trước đây.
“Khi tôi nói với mọi người tôi là một chuyên viên trị liệu hô hấp, họ rất kinh ngạc. Nhưng đến bây giờ, họ nhìn tôi với ánh mắt sợ hãi”, Lisa Shultis, một chuyên gia trị liệu kiêm giám đốc chương trình chăm sóc hô hấp tại Đại học Long Island, chia sẻ.
Chuyên viên trị liệu hô hấp là những người theo dõi lượng oxy vào trong cơ thể bệnh nhân mắc COVID-19, kiểm soát hơi thở của họ và nếu cần thì đặt máy thở.
Theo Hiệp hội Chăm sóc Hô hấp Mỹ (AARC), hiện có khoảng 155.000 chuyên viên trị liệu hô hấp được chứng nhận tại quốc gia. Mức lương của người làm công việc này hơn 60.000 USD/năm (tương đương 1,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, công việc của họ vẫn ít người biết đến.
“Trên những chương trình về bác sĩ, hình ảnh của chuyên viên trị liệu hô hấp ít khi xuất hiện. Họ chiếu những công việc của người khác. Tôi cảm thấy biết ơn khi ít nhất giờ đây mọi người biết chúng tôi làm gì”, Tom Kallstrom – Giám đốc điều hành AARC – cho hay.
Trách nhiệm của một chuyên viên trị liệu hô hấp
Như tên gọi, chuyên viên trị liệu hô hấp tập trung điều trị những vấn đề liên quan đến hệ thống hô hấp của bệnh nhân.
Trước khi có đại dịch, công việc của họ là điều trị các tình trạng cấp tính, ví dụ như trẻ sinh non gặp phổi kém phát triển hoặc người trưởng thành bị đau tim, cũng như các vấn đề mãn tính như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Tuy nhiên, hiện giờ họ tập trung điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Loại virus này có thể khiến bệnh nhân bị viêm phổi, khó thở và tình huống khẩn cấp nhất là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).
“Những bệnh nhân này rất khác so với bất kỳ bệnh nhân nào chúng tôi từng chữa trị trước đây. Ngày trước chỉ có một vài bệnh nhân nặng tới mức này. Nhưng giờ phòng chăm sóc tích cực không chứa đủ họ. Và không một ai trong số đó có thể tự thở”, chuyên viên Eason miêu tả.
Một phương pháp điều trị cho người mắc COVID-19 nặng là cung cấp oxy qua ống thông mũi - thiết bị được đặt vào mũi của bệnh nhân. Nếu không hiệu quả, các chuyên viên phải mạnh tay hơn, gắn ống thông xuống cổ họng bệnh nhân. Phương pháp này được gọi là đặt nội khí quản. Ống thông được nối với máy trợ thở. Đây được coi là hy vọng cuối cùng cho những bệnh nhân nguy kịch.
Các chuyên viên trị liệu hô hấp có nhiệm vụ theo dõi nồng độ oxy trong người bệnh nhân và phối hợp với các bác sĩ để quyết định xem khi nào thì chỉ định phương pháp nào.
"Công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để có thể tư vấn cho bác sĩ cách thông khí cho bệnh nhân tốt nhất", Tom Barnes, Trưởng khoa kiêm cố vấn chương trình Thạc sĩ Khoa học về Chăm sóc Hô hấp của Đại học Northeastern, lý giải. Công việc của họ giúp giảm bớt gánh nặng trách nhiệm của các bác sĩ và y tá.
"Không ai có đủ nền tảng và được đào tạo chuyên về máy trợ thở như một chuyên viên trị liệu hô hấp. Đây là một mô hình kiềng ba chân. Bác sĩ, y tá và chuyên viên trị liệu hô hấp phải liên tục phối hợp với nhau”, ông Kallstrom nói.
Các chuyên viên trị liệu hô hấp đôi khi là những người thực hiện đặt nội khí quản. Họ đặt và vận hành máy trợ thở. Sau đó, họ thực hiện các điều chỉnh theo nhu cầu của người bệnh liên quan đến mức độ hơi thở, số lần thở mỗi phút, nồng độ oxy, áp lực đường thở và nhiều biến số.
"Giống như ngồi trong buồng lái máy bay, bạn sẽ không biết phải làm gì. Tôi không nghĩ máy trợ thở quá khó vận hành, nhưng có rất nhiều nút và chế độ khác nhau trên một máy trợ thở hiện đại", ông Kallstrom chia sẻ thêm.
Mức độ nguy hiểm của nghề này cũng không được xem nhẹ. Là người trực tiếp đặt nội khí quản, tiếp xúc với các đường thở của bệnh nhân, các chuyên viên trị liệu hô hấp có nguy cơ cao nhiễm virus.
Chuyên viên Shultis miêu tả: "Bạn phải xem bạn làm gì với ống dẫn khí quản... Thật khó làm việc đó khi phải đeo khẩu trang, kính bảo hộ. Bệnh nhân thì đang thở vào mặt. Đó là lý do tại sao nghề này rất nguy hiểm. Đó là lý do tại sao chúng tôi có quyền được trang bị đồ bảo hộ cá nhân”.
Các chuyên viên như Shultis, Kallstrom và Barnes cho biết họ cảm thấy thất vọng khi các quan chức và giới truyền thông luôn nói về sự tính cấp thiết của máy trợ thở mà không thừa nhận vai trò của các chuyên gia trị liệu hô hấp.
"Hãy gọi chúng tôi bằng tên công việc. Chúng tôi không chỉ là những người điều hành máy thở. Chúng tôi là chuyên gia trị liệu hô hấp. Đó cũng là một nghề quan trọng trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Shultis bày tỏ tâm nguyện.