Trong thời gian qua, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ đã khiến các công ty vận tải biển chủ chốt phải chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này. Các công ty buộc phải chọn tuyến đường vận chuyển dài hơn và đắt đỏ hơn để hạn chế rủi ro cũng như thiệt hại do các cuộc tấn công của Houthi gây ra.
Lâu nay, kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất kết nối châu Á với châu Âu, chiếm tới 12% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu, góp phần thúc đẩy thương mại thế giới. Việc các công ty vận tải biển phải định tuyến lại hoạt động vận chuyển hàng hóa của mình tránh kênh đào Suez, theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đang gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường, cũng như tạo thêm áp lực đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Đối với Ai Cập, doanh thu sụt giảm mạnh của kênh đào Suez cũng đang tạo ra thách thức lớn trong bối cảnh quốc gia này đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế. Đầu tháng này, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie, cho biết doanh thu của kênh đào trong tháng 1 vừa qua giảm gần một nửa, từ 804 triệu USD trong tháng 1/2023 xuống còn 428 triệu USD. Lượng tàu quá cảnh qua kênh đào Suez trong tháng 1 chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mất đi hàng trăm triệu USD doanh thu mỗi tháng từ kênh đào Suez, nơi vốn tạo nguồn thu ngoại tệ chính cho Ai Cập, khiến quốc gia Bắc Phi này càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, gánh nặng nợ chồng chất, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến ở Dải Gaza.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 22/2, người phát ngôn của IMF, bà Julie Kozack, cho biết IMF đang tích cực đàm phán về gói hỗ trợ toàn diện cho Ai Cập. Hai bên đã nhất trí về các nội dung chính của thỏa thuận hỗ trợ tín dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính cũng như sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của Ai Cập.