Phát biểu tại Quốc hội trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu về việc có cho phép Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận hay không, Bộ trưởng Hammond dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó của Chính phủ vào tháng 10/2018 là 1,6%. Ông nhấn mạnh ngoài vấn đề Brexit, kinh tế Anh còn bị tác động bởi căng thẳng thương mại và kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc.
Bộ trưởng Hammond khẳng định ông có thể tăng chi tiêu công thêm hàng tỷ bảng Anh hoặc thậm chí là giảm thuế nếu Quốc hội phá vỡ thế bế tắc về Brexit. Ông cũng cảnh báo rằng việc Anh cắt giảm các khoản vay sẽ đối mặt với rủi ro, nếu nước này không rút khỏi EU theo đúng trình tự với giai đoạn chuyển tiếp. Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh việc rút khỏi EU mà không có thỏa thuận đồng nghĩa với sự gián đoạn lớn trong ngắn hạn và trung hạn, dẫn đến nền kinh tế kém thịnh vượng hơn trong dài hạn. Theo ông, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, lương thấp đi và giá cả tăng thêm không phải là những điều người dân Anh mong muốn khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016. Ông cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2020 là 1,4%.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland Michael Creed cho rằng các kế hoạch của Anh nhằm đánh thuế nhập khẩu thịt bò, cừu và các sản phẩm sữa khi không đạt được thỏa thuận với EU về Brexit sẽ là thảm họa đối với nông dân Ireland.
Trước đó, Anh đã vạch kế hoạch nhằm tạm thời ngừng đánh thuế nhiều mặt hàng và không kiểm tra hải quan giữa CH Ireland và Bắc Ireland, trong bối cảnh các nghị sĩ Anh đang chuẩn bị bỏ phiếu về Brexit. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan vẫn còn được duy trì đối với xe hơi, thịt và sữa.
Xuất khẩu thực phẩm và động vật chăn nuôi từ Ireland sang Anh vào khoảng tới 3,1 tỷ euro (tương đương 3,5 tỷ USD), chiếm tới 40% tổng lượng xuất khẩu trong danh mục này của Ireland. Hiệp hội Nông dân Ireland (IFA) ước tính chi phí thuế quan cho các nhà sản xuất thịt bò sẽ bị đội lên gần 800 triệu euro (905 triệu USD).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cam kết bồi thường cho nông dân Ireland và các doanh nghiệp khác trong trường hợp Brexit mà không có thỏa thuận. London cũng từng khẳng định Bắc Ireland sẽ không nằm trong diện bị đánh thuế, một lợi thế mà vùng này cho là sẽ bị các nhà xuất khẩu Ireland tận dụng để né thuế. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết cách giải quyết này chỉ là tạm thời và đang khẩn trương thảo luận với Ủy ban châu Âu và Dublin để đạt được nhất trí về biện pháp lâu dài, tránh để xảy ra tình trạng Brexit "cứng".
Trước đó, với tỷ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã lần thứ hai bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đã đạt được với EU. Dự kiến, ngay trong ngày 13/3, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu để về việc rời khỏi "mái nhà chung" EU mà không có thỏa thuận. Mặc dù Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố để các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ tự do lựa chọn nhưng gần như chắc chắn Hạ viện Anh sẽ bác bỏ phương án "không thỏa thuận", bởi chính cơ quan này đã bỏ phiếu phản đối phương án này hồi cuối tháng 1 vừa qua. Do đó, giới phân tích nhận định nhiều khả năng các nghị sĩ sẽ lại bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU mà có thỏa thuận trong ngày 13/3.