Trong tuyên bố ngày 17/10, ông Corbyn cho rằng thỏa thuận Brexit mới "sẽ không giúp đoàn kết đất nước và nên bị bác bỏ". Ông khẳng định cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Brexit là trao cho người dân tiếng nói cuối cùng trong một cuộc trưng cầu ý dân công khai.
Cũng theo lãnh đạo Công đảng Anh, dường như Thủ tướng Johnson đã thương lượng một thỏa thuận thậm chí còn tồi tệ hơn thỏa thuận mà người tiền nhiệm Theresa May đã đàm phán. Ông cảnh báo những đề xuất mới của Thủ tướng Johnson có thể gây rủi ro đối với an toàn thực phẩm, cũng như nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế công và miễn phí mà nước này ấp ủ rơi vào tay các tập đoàn tư nhân của Mỹ.
Thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Johnson cũng vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Tự do đối lập. Theo lãnh đạo đảng này Jo Swinson, thỏa thuận mới sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, dịch vụ công cộng và môi trường ở Anh.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Johnson tại Quốc hội bởi thỏa thuận này khiến việc đưa Anh rời khỏi EU trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bà Sturgeon nêu rõ những đề xuất mới của ông Johnson cho thấy một mối quan hệ lỏng lẻo hơn với EU khi nói tới những vấn đề như tiêu chuẩn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các quyền của người lao động. Quan chức trên nhấn mạnh Scotland và các nghị sĩ SNP "sẽ không bỏ phiếu cho Brexit dưới mọi hình thức".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg cho rằng Anh đã đạt được một thỏa thuận tốt đẹp với EU, đảm bảo toàn bộ Vương quốc Anh là một liên minh hải quan. Phát biểu trước Quốc hội, ông Rees-Mogg khẳng định đây là một thỏa thuận "thực sự thú vị và tích cực", sẽ xóa bỏ điều khoản rào chắn và đảm bảo Anh là một liên minh hải quan duy nhất.
Cùng ngày, trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã hoan nghênh thỏa thuận đạt được vào phút chót giữa Thủ tướng Anh Johnson và EU trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, cho đây là sự thỏa hiệp hợp lý mà sẽ bảo vệ các lợi ích của châu Âu. Phát biểu với báo giới, ông Barnier khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận công bằng, hợp lý và phù hợp với các nguyên tắc của chúng tôi". Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn cần thận trọng bởi thỏa thuận này cần phải được Quốc hội Anh thông qua.
Chung quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã phát biểu về thỏa thuận Brexit mới mà Anh và EU đạt được rằng: "Một thỏa thuận luôn tốt hơn là không có thỏa thuận".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được giữa EU và London, cho rằng thỏa thuận này có khả năng được các nghị sĩ theo tư tưởng hoài nghi của Anh chấp thuận. Phát biểu tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo ôn hòa trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Tổng thống Macron bày tỏ ông "khá tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh".
Sau khi tuyên bố đạt được một thỏa thuận ngày 17/10, mọi con mắt đều đổ dồn về London để xem liệu Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã cam kết đưa Anh ra khỏi EU trước cuối tháng này, có giành được đủ sự ủng hộ để thông qua thỏa thuận này tại Quốc hội hay không.