Tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh: "Đến nay vẫn không có gì chắc chắn rằng một thỏa thuận Brexit sẽ được phê chuẩn vào ngày đó". Vì vậy, các nước thành viên phải chuẩn bị cho mọi kết cục của đàm phán bởi Brexit sẽ có thể gây ra sự rối loạn, chẳng hạn như chuỗi dây chuyền cung ứng.
Trước đó, tối 6/7, Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với EU hậu Brexit, với các nội dung mấu chốt gồm một khu vực thương mại tự do Anh-EU với “bộ quy tắc chung” cho các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp; một thỏa thuận hải quan điều chỉnh cho phép Anh tự ấn định các mức thuế quan của mình và ký kết các thỏa thuận thương mại toàn cầu; cho phép Quốc hội Anh có tiếng nói cuối cùng về mọi quy định và luật lệ, đồng nghĩa với việc các nghị sĩ sẽ phải quyết định có thông qua hay không mọi sửa đổi do phía EU đưa ra; chấm dứt việc đi lại tự do và việc đóng góp cho EU, cùng với thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu đối với nước Anh. Như vậy về cơ bản, Anh vẫn gắn chặt với Liên minh Hải quan và Thị trường chung châu Âu sau Brexit.
Tuy nhiên, kế hoạch trên cần nhận được sự đồng ý từ phía EU. Một số nhà ngoại giao châu Âu dù hoan nghênh việc Anh đã đưa ra đề nghị rõ ràng hơn, song cho rằng "chặng đường phía trước còn rất dài" và Chính phủ Anh cần phải làm rất nhiều việc.