Tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên diễn tại Luxembourg, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào, mặc dù trước đó Chính phủ Anh khẳng định đã có một cuộc gặp mang tính xây dựng với đại diện châu Âu.
Theo các nguồn tin, Anh vẫn không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào đối với điều khoản "chốt chặn", vốn được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit. Theo phóng viên TTXVN tại London, ông Johnson và ông Juncker chỉ nhất trí rằng các cuộc đàm phán Brexit cần phải được tăng cường, với các cuộc gặp giữa các quan chức hai bên phải diễn ra hàng ngày.
Thủ tướng Johnson khẳng định Anh sẽ không nhất trí một "thỏa thuận ly hôn" bao gồm cơ chế "chốt chặn", một điều khoản tạm thời giữ Anh ở lại Liên minh hải quan EU nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit, cũng như không trì hoãn Brexit đến sau thời hạn chót 31/10, cho dù không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, văn phòng ông Juncker cho biết ông đã tận dụng cả cuộc gặp ăn trưa tại Luxembourg để tái khẳng định lập trường của EU rằng Anh phải có trách nhiệm đưa ra giải pháp thay thế khả thi cho điều khoản "chốt chặn", vốn được người tiền nhiệm Theresa May nhất trí với EU hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng sau đó bị Quốc hội Anh bác bỏ tới 3 lần.
Chủ tịch Juncker nhấn mạnh EC luôn sẵn sàng và cởi mở xem xét bất kỳ đề xuất nào có thể đáp ứng được mục tiêu "chốt chặn", song những đề xuất này vẫn chưa được đưa ra.
Cơ chế "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit là yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit và EU. Những người mang quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Nhà lãnh đạo Anh Johnson đang tìm cách sửa đổi điều khoản này trong thỏa thuận mà EU và người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May nhất trí hồi tháng 11/2018.
Hiện ông Johnson đang nỗ lực thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới bất kể có hay không có thỏa thuận, tuy nhiên những nỗ lực của ông đang gặp nhiều trở ngại khi không nhận được sự đồng thuận của Quốc hội Anh. Đề xuất tổ chức bầu cử sớm trước hạn chót Brexit cũng bị Quốc hội bác bỏ trong cả 2 cuộc bỏ phiếu gần đây.
Mới đây nhất, ông Johnson lại vấp thêm một trở ngại pháp lý khác khi Tòa án Scotland tuyên bố quyết định của chính phủ đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội Anh tới ngày 14/10 là vi phạm luật pháp. Dù London khẳng định sẽ khiếu nại phán quyết này lên tòa án tối cao, nhưng diễn biến mới khiến các phe kêu gọi lập tức triệu tập quốc hội trở lại làm việc. Ông Johnson trước đó quyết định đình chỉ lịch làm việc của Quốc hội nhằm ngăn chặn các nghị sĩ "nhúng tay" cản trở quyết tâm "Brexit cứng" vào ngày 31/10 - thời hạn chót Brexit theo thỏa thuận giữa Anh và EU.