Trả lời phỏng vấn, Thị trưởng Khan nhận định khả năng đạt được thỏa thuận Brexit có ý nghĩa với sự ủng hộ của Quốc hội Anh trước hạn chót 29/3 tới là không thể xảy ra. Ông bày tỏ hy vọng Thủ tướng May sẽ nhận thấy điều này và gia hạn để thực hiện Điều 50 hoặc rút khỏi điều khoản này. Theo Điều 50 trong luật của EU, việc Anh quyết định rút khỏi EU vào năm 2017, đồng nghĩa với việc nước này có 2 năm để tiến hành Brexit. Dự kiến quá trình này sẽ kết thúc vào ngày 29/3 tới.
Thị trưởng Khan, người vốn luôn ủng hộ việc trưng cầu dân ý lần thứ hai về tư cách thành viên của Anh trong EU, tin rằng việc đóng băng tiến trình bằng cách đơn phương rút khỏi Điều 50 là biện pháp khả thi nhất. Theo ông, điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho người dân nước Anh thể hiện quan điểm. Tuần trước, ông cho biết mặc dù tâm lý quan ngại tăng lên về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, song năm ngoái, London vẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Điều này chứng tỏ London đang ngày càng trở thành thủ phủ tài chính toàn cầu, đồng thời là trung tâm về công nghệ và đổi mới.
Trước đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nêu rõ đảng này sẽ ủng hộ trưng cầu lần hai sau khi kế hoạch Brexit của họ bị Quốc hội bác. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đã phản đối động thái này, cho rằng điều này là đi ngược lại với sự dân chủ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo bất kỳ sự trì hoãn nào cũng đều sẽ đi kèm với điều kiện.
Trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng trước hạn chót 29/3 khi Anh chính thức rời EU theo luật định, Thủ tướng May đang tích cực làm việc với EU để có được những "đảm bảo cần thiết" giúp thỏa thuận Brexit nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần hai. Ngày 24/2, bà May đã quyết định lùi thời gian bỏ phiếu tại Hạ viện trong tuần này sang ngày 12/3 tới nhằm có thêm thời gian cho các nhà đàm phán Anh tiếp tục bàn thảo với các quan chức EU về những thay đổi trong thỏa thuận Brexit theo yêu cầu của các nghị sĩ, để đổi lại các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận. Nếu Thủ tướng May không có được sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận chỉnh sửa của bà trước ngày 12/3, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu vào ngày 13 và 14/3, lựa chọn giữa phương án rời khỏi EU theo đúng kế hoạch vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận, hoặc trì hoãn Brexit.
Cùng ngày, báo El Pais đưa tin Tây Ban Nha đang lên kế hoạch cấp quyền cư trú cho 400.000 công dân Anh tại nước này, trong trường hợp "Brexit cứng" xảy ra.
Kế hoạch nêu rõ rằng các biện pháp của Tây Ban Nha sẽ chỉ được thực hiện trong trường hợp phía Anh cũng áp dụng điều khoản tương tự với công dân Tây Ban Nha tại Anh. Dự luật cũng được áp dụng với khu vực Gibraltar này sẽ được trình lên Quốc hội Tây Ban Nha xem xét.
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, có diện tích khoảng 6,8 km2 và khoảng 30.000 dân sinh sống, nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia bên trên eo biển Gibraltar, giáp phía Bắc Tây Ban Nha. Madrid nhiều lần yêu cầu London trả lại vùng đất mà Tây Ban Nha đã từ bỏ năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Dự kiến, Gibraltar sẽ cùng với Anh rời khỏi EU, cho dù trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit, 96% dân số vùng lãnh thổ này đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell khẳng định các biện pháp chuẩn bị trong trường hợp "Brexit cứng" này sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của công dân Tây Ban Nha hay công dân Anh không bị ảnh hưởng.
Tháng trước, Chính phủ Tây Ban Nha cũng thông qua sắc lệnh tuyển 1.735 nhân viên chính phủ mới để giải quyết các hệ quả liên quan đến Brexit, đặc biệt là việc kiểm sóat biên giới và hải quan.