Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu khi tham dự một sự kiện nhân Ngày Tị nạn thế giới ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Chính phủ Đức đang đứng trước nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi chiến tranh và khủng bố, đồng thời cam kết duy trì sự gắn kết giữa các nước châu Âu. Theo bà, vấn đề di cư hiện đang là một thách thức lớn nhất đối với châu Âu, do đó Liên minh châu Âu (EU) cần đoàn kết để có thể đối phó và vượt qua thách thức này.
Thủ tướng Đức cho rằng EU cần phải tổ chức và quản lý vấn đề di cư theo các quy tắc rõ ràng và những chuẩn mực chung trong khối, đặc biệt trong việc xác định rõ những đối tượng nhập cư. Theo bà Merkel, đây là mối quan ngại sâu sắc nhất của các nước thành viên EU nhằm duy trì và đảm bảo một EU đoàn kết trong các vấn đề lớn liên quan đến chính sách đối ngoại, di cư và nhập cư.
Phát biểu trên của Thủ tướng Merkel được đưa ra trong bối cảnh đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà đang có những bất đồng sâu sắc về chính sách tị nạn với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền tại Đức. Dự kiến, Thủ tướng Merkel sẽ phải tìm một giải pháp chung của châu Âu cho chính sách di cư tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28-29/6 tới. Ngoài ra, một hội nghị thượng đỉnh không chính thức về vấn đề di cư cũng sẽ được triệu tập vào ngày 24/6 tới. Tại đây, Thủ tướng Merkel có thể thảo luận với các nhà lãnh đạo những nước bị ảnh hưởng bởi di cư như Pháp, Italy, Hy Lạp, Bulgaria và Tây Ban Nha trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung của châu Âu đối với vấn đề di cư.
Trong khi tâm lý không thiện cảm với người tị nạn gia tăng trên toàn châu Âu, một nghiên cứu được các nhà chuyên gia Pháp công bố trên Science Advances ngày 20/6 cho thấy những người di cư tới "Lục địa Già" không đặt gánh nặng lên tài chính công mà còn đóng góp cho nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại nước sở tại.
Các nhà chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia, Đại học Clermont-Auvergne và Đại học Paris-Nanterre đã tiến hành phân tích số liệu kinh tế và nhập cư trong 30 năm qua của các nước Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Liên hiệp Anh. Kết quả cho thấy những người tị nạn đóng góp cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng nguồn thu thuế đến 1% cho nước sở tại. Theo nghiên cứu, những người tị nạn đóng góp nhiều nhất cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước sau 3-7 năm sinh sống tại nước đó. Bên cạnh đó, số dân này cũng giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ và tài chính công gần như không bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo thường niên do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 19/6, số người tị nạn trên thế giới năm 2017 tăng thêm 2,9 triệu người so với năm 2016, mức tăng cao nhất từng thấy trong một năm, lên mức 25,4 triệu người.