Phát biểu tại cuộc họp báo với "Nhóm Visegrad" (gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary và CH Séc), ông Viktor Orban khẳng định: "Không đủ lực lượng để bảo vệ biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ. Phương án cuối cùng... chúng tôi sẽ bảo vệ biên giới phía ngoài của châu Âu".
Trong khi trước đó, ngày 3/3, hãng thông tấn Ba Lan dẫn lời người phát ngôn chính phủ nước này Piotr Mullerv cho biết theo quan điểm của Ba Lan, biên giới của Liên minh châu Âu (EU) cần phải được bảo vệ và vấn đề di cư không được kiểm soát phải được ngăn chặn kịp thời.
Ông Muller đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Ba Lan PTV về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho rằng việc đảm bảo an toàn biên giới của châu Âu là rất quan trọng. Trong những năm gần đây, quan điểm của cộng đồng châu Âu về vấn đề di cư cũng đã thay đổi. Đức, quốc gia từng không hạn chế dòng người di cư, đã có sự thay đổi lớn trong chính sách đối với vấn đề này do sức ép của Ba Lan và một số nước châu Âu khác.
Theo người phát ngôn của Chính phủ Ba Lan, để ngăn chặn tình trạng di cư mất kiểm soát, EU cần phải tăng cường hỗ trợ tài chính và triển khai các hoạt động bên ngoài biên giới EU.
Trước đó, ngày 3/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU luôn sát cánh cùng Hy Lạp và cam kết cung cấp tất cả sự giúp đỡ cần thiết để giúp Hy Lạp đối phó với làn sóng người di cư từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà von der Layen cũng cho biết theo yêu cầu của Hy Lạp, Cơ quan giám sát biên giới châu Âu - Frontex sẵn sàng triển khai lực lượng phản ứng nhanh tại biên giới bao gồm một tàu thủy, hai tàu tuần tra, hai trực thăng và một phi cơ. 100 lính biên phòng châu Âu cũng được triển khai bổ sung bên cạnh 530 binh sĩ đã hiện diện trước đó.
Đánh giá làn sóng người di cư ồ ạt từ Thổ Nhĩ Kỳ như một "cuộc xâm lấn", Chính phủ Hy Lạp đã quyết định triển khai lực lượng lớn gồm quân đội và cảnh sát tới cửa khẩu Kastanies. Trong những ngày gần đây, họ đã sử dụng cả hơi cay để đẩy lùi người di cư.