Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Italy, Matteo Salvini đã cảnh báo những hậu quả của các quyết định "do Pháp và Đức đơn phương đưa ra".
Thỏa thuận mang tính thăm dò này đạt được tại cuộc họp bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ EU, do Pháp chủ trì, diễn ra ở thủ đô Paris, nhằm thảo luận vấn đề người di cư tại Địa Trung Hải. Phát biểu trong họp báo sau cuộc họp, Tổng thống Macron cho biết 14 quốc gia đã nhất trí với giải pháp mới của Pháp và Đức về quản lý nhập cư trong EU, trong khi 8 quốc gia thông báo sẽ tích cực hợp tác. Trước đó, Pháp và Đức đã đề xuất thành lập liên minh các nước sẵn sàng tiếp nhận người di cư một cách có hệ thống bất cứ thời điểm nào họ lên bờ sau khi được những con tàu cứu hộ giải cứu trong giai đoạn từ nay cho tới tháng 10. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, trong số 14 quốc gia EU nhất trí với đề xuất mới có Pháp, Đức, Phần Lan, Luxemburg, Bồ Đào Nha, Litva, Croatia và Ireland
Tẩy chay cuộc họp trên, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini khẳng định nước này không tham gia cơ chế của Pháp - Đức, cho rằng biện pháp trên vẫn khiến Italy trở thành một trong những điểm đến chính của người di cư, đồng thời nhấn mạnh việc tái phân bổ hạn ngạch người tị nạn sẽ gây khó khăn cho việc trục xuất những người di cư bất hợp pháp ở các quốc gia tuyến đầu. Italy đã tiếp nhận hầu hết những người di cư được cứu trên biển, tuy nhiên, từ năm 2018, chính phủ dân túy mới lên nắm quyền ở nước này đã quyết định không cho phép các tàu cứu nạn chở người di cư cập cảng.
Không nhắc đích danh tới Italy, Tổng thống Macron bày tỏ rất tiếc về sự vắng mặt của một số quốc gia trong cuộc họp trên. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không được gì nếu không hợp tác". Tuy nhiên, ông tái khẳng định rằng luật biển đã quy định rõ rằng các tàu thuyền được cập cảng gần nhất và an toàn nhất, theo đó các tàu thuyền từ Libya thì nơi gần nhất là Italy.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Macron cho biết Pháp đã yêu cầu Chính phủ Libya đảm bảo rằng người di cư sẽ không còn bị giam giữ ở nước này, cũng như triển khai các biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn. Libya là điểm trung chuyển chính của người di cư và tị nạn châu Phi muốn tới châu Âu bằng cách vượt biển Địa Trung Hải. EU đã tài trợ hàng trăm triệu euro để trang bị và huấn luyện lực lượng bảo vệ biển Libya và cải thiện điều kiện tại các trung tâm tị nạn của nước này. Theo một thỏa thuận với EU, các tàu của Libya bắt giữ người tị nạn và người di cư định ra khơi đi tìm "miền đất hứa" và đưa họ trở về.
Theo số liệu Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) công bố hồi tháng 2 vừa qua, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm vượt biển để tới châu Âu. Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư trên khắp châu Âu.