Hiện nay khi Mỹ và Nga vẫn đang tranh cãi liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học tại Syria thì hai quốc gia từng đối đầu trong Chiến tranh Lạnh này lại có điểm chung, đều “nhức nhối” vì những kho vũ khí hóa học khổng lồ mà họ đang cố loại bỏ trong 2 thập kỷ qua.Đeo mặt nạ phòng độc. Ảnh minh họa (Reuters). |
Hãng tin Ria Novosti của Nga hôm 9/9 dẫn lời của Paul Walker, cựu nhân viên thuộc Quốc hội Mỹ, người đã từng thanh tra các cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học của cả Nga và Mỹ, nói: “Sẽ rất tốn kém để lưu trữ và đảm bảo an toàn cho vũ khí hóa học”.
Cả Mỹ và Nga đều trong tiến trình xử lý tiêu hủy hàng ngàn tấn vũ khí hóa học, việc này trở nên tốn kém và khó khăn hơn so với những dự toán ban đầu.
Mỹ công bố họ đã phá hủy 90% kho vũ khí hóa học của thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên còn đó là khoảng 2.600 tấn khí mù tạt tại kho lưu trữ vũ khí hóa học ở bang Colorado và 523 tấn khí độc thần kinh tại cơ sở ở bang Kentucky nơi Lầu Năm Góc dự định sẽ cho tiêu hủy trong khoảng từ năm 2019 đến 2023.
Ahmet Uzumcu, giám đốc tổ chức Ngăn chặn Vũ khí hóa học trong tháng 7 đã nói: “Nước Mỹ đã phải chi khoảng từ 25 đến 26 tỉ USD để phá hủy 90% đó và họ dự tính còn cần thêm 6-7 tỉ nữa”.
Moscow và Washington đều có “trữ lượng khủng” vũ khí hóa học và vũ khí sinh học trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng theo Paul Walker, giám đốc tổ chức vì môi trường Green Cross thì đến cuối những năm 1970 “cả hai nước đã nhận thấy họ không còn cần đến chúng để sử dụng cho một mục tiêu chiến tranh”. Điều đặc biệt là cựu lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev chính là người đã thành lập tổ chức Green Cross.
Walker cũng thành viên của phái đoàn Mỹ đầu tiên từng đến thăm cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học Liên Xô, ông chia sẻ: “Chúng rất khó nắm bắt, cũ kỹ và có sơ hở”.
Hiện Mỹ và Nga được coi là hai quốc gia có kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Cả hai nước đã ký vào hiệp ước chống vũ khí hóa học năm 1997.
H.Linh(Theo Ria Novosti)