Vấn đề Ukraine là phép thử đối với chính sách đối ngoại của tân Chính phủ Đức

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock có chuyến thăm tới Moskva, nhưng đó là một chuyến đi mạo hiểm khi cuộc khủng hoảng Ukraine bộc lộ sự chia rẽ ở Berlin.

Theo Politico.eu, áp lực của Nga đối với Ukraine và mối quan hệ đối đầu với phương Tây, đang gây chia rẽ rõ rệt trong liên minh cầm quyền mới của Đức, đặt ra một phép thử chính sách đối ngoại với Thủ tướng Olaf Scholz.

Ngày 18/1, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, thuộc đảng Xanh, một đối tác trong liên minh cầm quyền ở Đức, thực hiện chuyến thăm đến Moskva để đàm phán với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhằm giảm leo thang căng thẳng tại biên giới Ukraine.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (phải) gặp Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại Kiev ngày 17/1. Ảnh: Reuters

Một loạt cuộc họp tuần trước giữa Nga với Mỹ và các đồng minh NATO - cũng như các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu - đã không thể xoa dịu căng thẳng và Moskva tiếp tục gây áp lực quân sự nếu phương Tây không đáp ứng yêu cầu, trong đó có cam kết rằng Ukraine và Gruzia sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Trong khi bà Baerbock ủng hộ cả đối thoại và có đường lối cứng rắn hơn đối với Nga, chuyến thăm của bà tới Moskva rất phức tạp bởi các tín hiệu mâu thuẫn đến từ Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Scholz.

Sự chia rẽ trong Liên minh cầm quyền Đức đặc biệt rõ ràng khi nói đến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gây tranh cãi. Các chính trị gia cấp cao của SPD đã bảo vệ Nord Stream 2, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht và Tổng thư ký của đảng Kevin Kühnert, người tuần trước nói rằng đường ống không được liên kết theo bất kỳ cách nào với căng thẳng Nga-Ukraine. Điều đó làm dấy lên câu hỏi về mức độ của việc Đức và EU liên tục cảnh báo Moskva rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nữa đối với Ukraine sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng".

Ông Scholz cũng đã đưa ra một đường lối mềm mỏng và tháng trước, thậm chí còn lập luận rằng đường ống chỉ đơn thuần là một "dự án kinh tế tư nhân", cho thấy nó không có chiều hướng chính trị - một quan điểm bị phản đối gay gắt bởi Kiev và các nước phía đông EU, như Ba Lan và những quốc gia Baltic. 

Trong lịch sử, SPD thường có quan điểm mềm mỏng hơn đối với Nga, đặc biệt là thông qua Hiệp ước của cựu Thủ tướng Willy Brandt, người đã tìm cách can dự ngoại giao với Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Gần đây hơn, cựu thủ tướng Đức thuộc SPD khác, Gerhard Schröder, đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moskva. với tư cách là Chủ tịch ủy ban cổ đông của Nord Stream 2.

Tuy nhiên, một số đảng viên SPD khác hiện đang thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn. Michael Roth, cựu Bộ trưởng châu Âu và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức nói: “Cần phải rõ ràng với tất cả các bên rằng, trong trường hợp có thêm leo thang quân sự chống lại Ukraine, chúng tôi không thể đơn giản trở lại kinh doanh như bình thường. EU phải đặt tất cả các lựa chọn - bao gồm cả Nord Stream 2 - lên bàn cân. Chúng tôi không thể đơn giản tiếp tục như trước đây. Đây chắc chắn không phải là vấn đề đối với riêng Đức; nó sẽ phải được thảo luận trong khuôn khổ EU".

Quan điểm khác biệt của Đức về Nord Stream 2 dường như có thể làm tăng thêm những thách thức mà bà Baerbock phải đối mặt khi thảo luận với ông Lavrov, được nhiều người coi là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu nhất trên trường quốc tế. Trước chuyến đi tới Moskva, bà Baerbock đã phải chịu áp lực trong chuyến thăm Ukraine hôm 17/1, với những lời chỉ trích về việc Đức từ chối cho phép vận chuyển vũ khí, đặc biệt là vũ khí phòng không, tới Kiev.

Ngược lại, bà Baerbock nhấn mạnh rằng vì "trách nhiệm lịch sử", Đức không thể chuyển vũ khí tới các khu vực khủng hoảng. Ông Scholz cũng ủng hộ quan điểm này, chỉ ra rằng Chính phủ do bà Angela Merkel lãnh đạo theo đường lối bảo thủ trước đây cũng đã từ chối xuất khẩu vũ khí cho Kiev. 

Đối với nhiều cường quốc phương Tây, chuyến thăm của bà Baerbock tới Moskva và sự không thống nhất trong Liên minh cầm quyền ở Đức có nghĩa là Nga có thể có cơ hội tạo sự chia rẽ giữa Đức, thành viên lớn nhất và giàu nhất của EU và các đồng minh NATO khác. Sự xuất hiện của bà Baerbock tại thủ đô của Nga có nguy cơ gửi đi một thông điệp rằng Berlin quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ song phương, bao gồm cả quan hệ kinh tế, hơn là về việc Nga tăng cường triển khai binh sĩ ở biên giới với Ukraine. 

Ngày 17/1, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố dài về chuyến thăm của bà Baerbock trong đó nêu rõ cuộc gặp của bà với Ngoại trưởng Lavrov thể hiện mối quan hệ với Đức là bền chặt bất chấp những căng thẳng an ninh hiện nay. Bộ Ngoại giao Nga thậm chí khẳng định rằng “nhu cầu cải thiện quan hệ với Nga là hiện hữu trong xã hội Đức”.

Thông cáo báo chí cho biết thêm, sẽ có một cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc về các vấn đề quốc tế cấp bách nhất, chủ yếu là việc thực hiện các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh toàn diện ở châu Âu. Tuyên bố cũng tìm cách xoa dịu Berlin, nói rằng Moskva "coi Đức là một quốc gia có ảnh hưởng trên trường quốc tế, một nước quan trọng đối với Nga".

Công Thuận/Báo Tin tức
Đức nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trong vấn đề Ukraine
Đức nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trong vấn đề Ukraine

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong vấn đề Ukraine, ngày 14/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức thông báo Ngoại trưởng nước này, bà Annalena Baerbock, sẽ có chuyến công du tới Kiev và Moskva vào đầu tuần tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN