Riku Kitamura (28 tuổi) đang làm việc cho một công ty nghiên cứu thị trường tại Nhật Bản và thường xuyên đi ăn nhậu cùng sếp và các đồng nghiệp của mình.
“Ban đầu tôi thấy rất áp lực khi mình phải uống nhiều, uống cho bằng những người khác. Điều này khiến tôi gần như say xỉn”, anh Kitamura nhớ lại buổi nhậu đầu tiên của mình khi mới tốt nghiệp đại học.
Theo kênh BBC (Anh), nhậu sau giờ làm việc từ lâu đã được coi là một phần văn hóa của Nhật Bản. Những buổi tụ tập uống rượu còn gọi là “Nomikai” được coi là cách để xây dựng các mối quan hệ gần gũi trong nhiều doanh nghiệp. Mặc dù đây là một cách để nhiều nhân viên có thể hiểu hơn về sếp của mình nhưng ở một số công ty, những buổi tụ tập như vậy ngày càng giảm dần bởi nhiều người lo ngại bị “quấy rối bằng quyền lực”
Dùng quyền lực để quấy rối được coi là hành động bắt nạt nơi công sở, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc sếp ngược đãi thể chất nhân viên đến việc tẩy chay nhân viên trong công ty.
Kumiko Nemoto, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto cho rằng việc ép người khác uống rượu cũng được coi là một hành vi quấy rối.
“Trước đây, nhậu sau giờ làm việc thường xuyên diễn ra và trở thành một phần của văn hóa làm việc thông thường ở Nhật Bản. Nhưng hiện tại, tụ tập uống rượu sau giờ làm việc bị nhiều người coi là một cách quấy rối bằng quyền lực”, ông Nemoto nói.
Trong bối cảnh đó, một số nhà quản lý trở nên ngần ngại mời nhân viên của mình đi uống rượu sau giờ làm. Kitamura cho hay trong 3 năm qua, các sếp của anh đã nói rõ rằng việc uống rượu không phải là bắt buộc.
“Các nhà lãnh đạo sợ gặp phải phản ứng quyết liệt. Tôi cảm thấy các sếp không còn khích lệ việc này và cố gắng tránh rủi ro”, anh nói.
Trong số những nhà quản lý đi ngược lại văn hóa nhậu của Nhật Bản, ông Tats Katsuki (47 tuổi) – quản lý một công ty kinh doanh - thừa nhận ông không ép các nhân viên của mình đi uống rượu sau giờ làm.
“Mọi người nhìn chung đều lo ngại về tất cả các kiểu quấy rối, quấy rối quyền lực và quấy rối tình dục”, ông nói.
Nhận thức về văn hóa nhậu đã thay đổi trong 5 năm trở lại đây khi cấp dưới có thể gửi thư nặc danh đến một hòm thư khiếu nại. Vì thế mọi người đều ý thức và thận trọng hơn. Điều này khác xa so với nơi làm việc đầu tiên mà ông Katsuki bắt đầu sự nghiệp của mình khoảng 20 năm trước. Hồi đó, ông có một tâm lý khác, ông thường đi uống rượu cùng các đồng nghiệp tới 4 lần mỗi tuần.
“Sếp thường hỏi rằng các anh có rảnh không, đi thôi! Thực sự không có cách nào để từ chối”, Katsuki nói.
Những bữa nhậu thường diễn ra sau khi ăn tối với khách hàng. Nhiều lúc, Katsuki cảm thấy mình uống quá nhiều và thường xuyên ở trong tình trạng nôn nao. Nhưng nhìn chung, điều đó không phải là một chuyện phức tạp.
“Chúng tôi thường trò chuyện về công việc nhưng cũng có những thứ ngoài công việc và hiểu mọi người hơn”, anh nói.
Ông Katsuki bắt đầu đi làm vào đúng giai đoạn kinh tế Nhật Bản suy thoái năm 1990. Đây được gọi là kỷ nguyên của sự thừa thãi và lãng phí khiến nhậu nhẹt càng dễ phổ biến hơn tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, khi môi trường kinh tế thay đổi, những kỳ vọng của nhân viên cũng thay đổi theo, bao gồm cả việc giao tiếp với sếp.
Ông Katsuki nói rằng hiện tại nơi làm việc ở Nhật Bản cũng giống như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, trong đó các sự kiện xã hội đều đã được lên kế hoạch trước. Việc uống rượu trong các buổi tiệc liên quan đến công việc đã giảm đi và rất ít các nhà quản lý mời nhân viên mình ra ngoài nhậu nhẹt. Một phần nguyên nhân là vì những lo ngại quanh khái niệm quấy rối.
Ông Katsuki thường xuyên thảo luận điều này với cấp dưới của mình và cố gắng xác định ranh giới giữa những gì có thể chấp nhận được và những gì là không thể.
“Mọi người thậm chí còn không chắc họ có thể nói với một nhân viên nữ rằng cô đã thay đổi kiểu tóc đúng không. Các đồng nghiệp thường rất ít trò chuyện vì mọi người sợ nói ra điều gì đó bị cho là quấy rối”, ông nói.
Khi những nhà lãnh đạo cố gắng điều chỉnh theo xu hướng mới, một số nhân viên trẻ lại cảm thấy lạc lõng và cho rằng mọi người đã phản ứng thái quá. Anh Kitamura hiện là quản lý dự án tại công ty nghiên cứu thị trường CarterJMRN ở Tokyo cho hay các nhân viên mới “cảm thấy lạc lõng khi không còn được mời đi uống rượu nữa”.
“Nhậu vẫn là một công cụ xã hội giúp kết nối sếp với các nhân viên”, anh nói. Dù khi còn trẻ, Kitamura cảm thấy áp lực vì phải đi nhậu cùng sếp và các đồng nghiệp nhưng anh vẫn thích uống rượu và muốn được tụ tập với mọi người.
Cô Parissa Haghirian, Giáo sư Đại học Sophia tại Tokyo, đồng cảm với Kitamura và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo mối quan hệ xã hội trong các bữa nhậu.
“Ở Nhật Bản, mọi người thích uống rượu. Uống rượu được xem là cách giải tỏa căng thẳng và không mang ý nghĩa xấu. Điều quan trọng là chúng ta được làm điều này cùng nhau và trở thành một phần trong đó”, cô nói.