Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Vanuatu, Ralph Regenvanu, cho biết việc ứng phó với tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu là thách thức lớn mà 300.000 cư dân Vanuatu sinh sống trên một chuỗi đảo trải dài giữa Australia và Fiji đang phải đối mặt. Do đó, các cộng đồng lâu đời sẽ phải di dời khỏi các khu vực ven biển, nơi mà tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển dâng cao và gây ra nhiều cơn bão có sức tàn phá mạnh hơn.
Theo Bộ trưởng Regenvanu, Chính phủ Vanuatu xác định hàng chục ngôi làng ở khu vực có nguy cơ cao sẽ được di dời trong vòng 24 tháng tới, trong khi các khu dân cư khác cũng sẽ được lên kế hoạch di dời trong thời gian dài hơn.
Quần đảo Vanuatu ở Tây Nam Thái Bình Dương nằm trong số hơn 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương đang đối mặt với thực trạng mực nước biển dâng và bão lũ diễn ra thường xuyên hơn.
Vanuatu đã có kinh nghiệm trong việc di dời cư dân. Năm 2005, Vanuatu là một trong những quốc gia đầu tiên ở Thái Bình Dương di dời toàn bộ cộng đồng trên đảo Tegua ở phía Bắc khỏi khu vực ven biển dễ bị ngập lụt lên vùng đất cao hơn. Năm 2017, toàn bộ 11.000 người sống trên đảo Ambae ở phía Bắc cũng được một đội tàu, thuyền đưa đến các đảo nhỏ khác sau khi núi lửa Manaro Voui phun trào gây mưa đá và tro bụi tràn xuống các ngôi làng.
Các đảo quốc ở Thái Bình Dương nằm ở vị trí thấp như Vanuatu đã và đang phải hứng chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Hồi năm 2015, một nửa dân số Vanuatu bị ảnh hưởng khi bão Pam tàn phá thủ đô Port Vila khiến hơn 10 người thiệt mạng, phá hủy mùa màng và hàng nghìn người mất nhà cửa. Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu hằng năm, Vanuatu là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất từ thiên tai như động đất, bão, lũ lụt và sóng thần.
Các nhà khoa học dự báo mực nước biển ở Thái Bình Dương sẽ tăng từ 25-58cm vào giữa thế kỷ này. Đây là một viễn cảnh thảm khốc đối với Vanuatu, nơi mà 60% dân số sống ở khu vực cách bờ biển chỉ 1km.
Hiện các quốc gia khác ở Thái Bình Dương cũng đang xem xét kế hoạch di dời các cộng đồng đang bị đe dọa do khủng hoảng khí hậu, trong đó có Fiji, nơi hàng chục ngôi làng dự kiến sẽ được di dời.