Hai hành khách mang hộ chiếu giả của quốc tịch Áo và Italy trên chuyến bay mất tích của Malaysia đã mua vé cùng một thời điểm và có hành trình gần giống nhau.
Theo BBC, hai người có số xuất vé liên tiếp nhau là 99 và 100, hạng Q, của hãng Southern China Airlines. Chuyến bay mất tích MH370 share code giữa hãng hàng không của Trung Quốc và Malaysia.
Hành trình của "người Italy" là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Copenhagen. Hành trình của "người Áo" là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Frankfurt.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay ở sân bay tại Kuala Lumpur. Ảnh: Reuters |
Hai chủ nhân thực sự của các hộ chiếu Italy và Áo nói trên vẫn sống an toàn và cho biết hộ chiếu của họ bị mất cách đây nhiều tháng. Thế nhưng tên và số hộ chiếu của họ có trong danh sách hành khách chuyến bay MH370. Điều này làm dấy lên nghi ngờ có kẻ xấu đã dùng giấy tờ ăn cắp để lên chuyến bay.
Giới chức Malaysia đang điều tra danh tính thực của tổng cộng 4 hành khách trên chiếc phi cơ chở 239 người bị mất tích. Ngoài hai người trên còn có hai người dùng hộ chiếu Trung Quốc giả.
Theo Reuters, các nhà điều tra đang xác minh danh tính của những hành khách trên qua các Đại sứ quán liên quan ở Malaysia. Giới chức Malaysia từ chối hé lộ chi tiết. Một người trong các hành khách này mua vé thông qua China Southern Airlines - hãng hàng không Trung Quốc, bay code share với Malaysia Airlines.
Trong khi đó, Fujian Evening đưa tin công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nghi vấn hai hành khách người Trung Quốc trên chuyến bay MH370 sử dụng hộ chiếu giả. Các hộ chiếu này ghi do công an Phúc Kiến cấp nhưng mã số và danh tính cá nhân trong đó không khớp nhau.
Ông Du cho xem quyển hộ chiếu có số G25634718 xuất hiện trong danh sách hành khách của chiếc máy bay mất tích. Trong danh sách, số hộ chiếu này của người tên Zhao Qiwei. Ảnh: Mnw.cn Người có số hộ chiếu trên máy bay Malaysia đang ở Phúc Kiến Cổng thông tin Sina dẫn báo địa phương Trung Quốc đưa tin, người đàn ông có số hộ chiếu trong danh sách mà hãng Malaysia Airlines cung cấp không hề đi du lịch ở Malaysia và vẫn ở nhà tại Phúc Thanh, Phúc Kiến.
Người đàn ông họ Du (Yu), 37 tuổi, cho biết làm hộ chiếu từ năm 2007 nhưng chưa sử dụng bao giờ, cũng không làm mất, mà luôn cất trong nhà. Ông khẳng định chưa hề rời khỏi Phúc Thanh, cũng không đi du lịch Malaysia.
Trong quyển hộ chiếu ông cung cấp không hề có dấu xuất nhập cảnh. Tuy nhiên số hộ chiếu của ông lại có trong danh sách hành khách trên chuyến bay của hàng không Malaysia bị mất tích. Mã số giống số của ông Du, nhưng tên thì khác.
Ngoài ông Du, còn một trường hợp khác là hành khách của chuyến bay bị nghi dùng hộ chiếu giả do Trung Quốc cấp nữa. Các hộ chiếu đều ghi do công an Phúc Kiến cấp, nhưng mã số hoặc danh tính cá nhân trong đó không khớp với các hộ chiếu thật.
|
Trước đó, hai người châu Âu là Christian Kozel, 30 tuổi, người Áo, và Luigi Maraldi, 37 tuổi, người Italy, đã bác bỏ việc có mặt trên chuyến bay bị mất tích, dù họ có tên trong danh sách bay. Hai người cho biết hộ chiếu của họ bị ăn cắp tại Thái Lan lần lượt vào năm 2012 và 2013. Họ đã gọi điện cho gia đình xác nhận rằng họ vẫn bình an.
Hiện Bộ trưởng Giao thông Malaysia đã yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ hành khách có tên trong danh sách bay của hãng Malaysia Airlines.
"Tôi đã nắm được cả 4 cái tên trên", ông Hishamuddin Hussein, người cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, nói.
Ông Hussein xác nhận giới chức trong nước đã gặp các đặc viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để phối hợp việc điều tra. Họ không loại trừ khả năng máy bay bị khủng bố và không loại trừ còn nhiều người khác cũng sử dụng hộ chiếu giả.
Trang Twitter của BBC vừa đăng tin Cục trưởng hàng không dân dụng Malaysia cho biết có 5 hành khách đã không lên chuyến bay MH370, và hành lý của họ đã bị bỏ xuống.
Cựu đại tá quân đội Anh Richard Kemp nhận định trên Mirror rằng giả thuyết chuyến bay bị tấn công cần được xem xét nghiêm túc.
"Chúng ta đã chứng kiến những vụ khủng bố gần đây ở Trung Quốc", ông Kemp, người từng đứng đầu đội chống khủng bố của Ủy ban Tình báo Liên minh của Anh, nói. "Chúng ta biết một số phần tử khủng bố có xuất phát từ tộc người Duy Ngô Nhĩ. Họ là những phiến quân ly khai Hồi giáo và từng gây ra nhiều vụ tấn công trong suốt thời gian dài".
Tuần trước, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ thuộc vùng bất ổn Tân Cương được cho là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng mã tấu làm 29 người chết ở nhà ga Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal, trong số 154 hành khách Trung Quốc trên máy bay mất tích của Malaysia, có một họa sĩ nằm trong đoàn sang Malaysia tham dự triển lãm cũng là người Duy Ngô Nhĩ.
Chiếc Boeing 777-200 của hàng không Malaysia mất tích sáng sớm qua trên đường đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Các trạm theo dõi không nhận được bất kỳ tín hiệu báo nguy cấp nào trước khi máy bay mất tích. Thời tiết khu vực không có biến động bất thường. Trên máy bay có 239 người, trong đó có 227 hành khách mang 13 quốc tịch khác nhau.
Anh Ngọc, Vũ Hà (Theo vnexpress.net)