Phát biểu với báo giới, ông Maduro cho biết Venezuela có đầy đủ điều kiện cần thiết, bao gồm cả tàu chở dầu cũng như khách hàng, và sẵn sàng dành một phần sản lượng dầu để bảo đảm toàn bộ số vaccine cần thiết phục vụ cho chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.
Trước đây, nhà lãnh đạo Venezuela cũng đã từng đề nghị Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) tác động để có thể sử dụng nguồn ngoại tệ của nước này đang bị phong tỏa ở nước ngoài để thanh toán số vaccine được phân phối thông qua cơ chế COVAX, vào khoảng 1,4 đến 2,4 triệu liều. Nếu lệnh phong tỏa không được dỡ bỏ, Venezuela sẽ có một lựa chọn khác là đổi dầu lấy vaccine.
Mặc dù vậy, số vaccine mua qua COVAX cũng chỉ tương đương với 20% số vaccine mà Venezuela cần để sử dụng. Hơn nữa, loại vaccine được phân phối qua cơ chế COVAX của hãng dược phẩm AstraZeneca hiện vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại Venezuela.
Cho đến nay, Venezuela mới chỉ cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga và vaccine do công ty Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất. Tháng 2 vừa qua, Venezuela đã bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế.
Theo số liệu chính thức, Venezuela đã ghi nhận tổng cộng 150.000 ca nhiễm và gần 1.500 ca tử vong do COVID-19. Gần đây, giới chức Venezuela bắt đầu quan ngại về xu hướng số ca nhiễm tăng lên và sự xuất hiện của biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Brazil có khả năng lây lan nhanh chóng.
* Báo Evening Standard đưa tin ngày 28/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhận được nhiều lời kêu gọi ngay lập tức viện trợ vaccine ngừa COVID-19 đến những nước nghèo hơn do nước này sẽ có dư thừa lượng vaccine cần thiết để tiêm phòng cho người dân.
Các tổ chức từ thiện về phát triển và y tế Anh đã hối thúc Thủ tướng Johnson nhanh chóng hành động hoặc làm rõ cách thức chia sẻ vaccine. Đây là nội dung lá thư do Cố vấn khoa học Chính phủ Anh Jeremy Farrar, tổ chức Save the Children UK, cùng một số tổ chức khác gửi tới Thủ tướng Anh.
Họ cho rằng với một nửa người trưởng thành tại Anh đã được tiêm phòng, Anh hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ mua vaccine trên đầu người cao nhất thế giới, và nước này đang trên đà có thêm hơn 100 triệu liều vaccine nữa.
Điều này khiến Anh có khả năng sẽ tích trữ vaccine, trong khi những đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh như các nhân viên y tế và những nước có thu nhập thấp và trung bình lại không thể tiếp cận vaccine. Nội dung thư cảnh báo Anh có lượng vaccine dư thừa đủ để tiêm 2 lần cho toàn bộ các nhân viên y tế tuyến đầu trên thế giới.
Cố vấn Farrar nhấn mạnh kể cả khi toàn bộ dân số Anh đã được tiêm phòng, nước này sẽ vẫn còn hợp đồng tiếp cận với ít nhất 100 triệu liều vaccine và số vaccine này sẽ không còn hữu dụng tại Anh. Do đó, đây là thời điểm để xem xét hỗ trợ các nước khác.
Theo ông Farrar, thế giới sẽ không thể nào an toàn khi vẫn còn bất kỳ quốc gia nào đang phải chống dịch. Do đó, các tổ chức từ thiện hối thúc Anh ngay lập tức viện trợ vaccine qua chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm cung cấp vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Đáp lại, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ chia sẻ phần lớn vaccine thừa với COVAX khi có đủ nguồn cung.
Để đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhiều nước trong đó có Anh, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Theo Bộ Y tế Anh, tính đến ngày 28/3, tổng cộng có 30.151.287 người đã được tiêm phòng mũi đầu tại Anh, tương đương khoảng 57% tổng số người trưởng thành. Tổng số người đã được tiêm đủ hai mũi là 3.527.481 người. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh vaccine đang giúp cứu sống nhiều người dân Anh và đây là biện pháp sẽ giúp nước này thoát khỏi đại dịch COVID-19.