Ngày 1/8, phát biểu trong cuộc họp báo nhân Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) tại thủ đô Braxilia, Tổng thống nước chủ nhà Braxin Dilma Rousseff đã đánh giá việc Venezuela (Vênêxuêla) trở thành thành viên đầy đủ của Mercosur góp phần “gia tăng tiềm năng của khối”, mang lại cho khối một tầm vóc mới về mặt địa chính trị và kinh tế trên thế giới.
Theo bà Rousseff, khi Venezuela, một trong những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, tham gia vào Mercosur, đồng nghĩa với việc nhu cầu năng lượng các nước trong khối có thể được đáp ứng và Mercosur trở thành thực thể kinh tế lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức với GDP ước khoảng 3.300 tỷ USD.
Đáp lại, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng, việc mở rộng Mercosur đang mang lại “cơ hội lịch sử to lớn trong vòng 200 năm qua” cho khu vực. Ông cũng mong muốn Mercosur trở thành một “cơ chế có thể can thiệp vào các vấn đề ngoài kinh tế”. Tổng thống Chavez cũng đánh giá việc trở thành thành viên đầy đủ của Mercosur sẽ giúp Venezuela củng cố độc lập và đẩy nhanh phát triển.
Theo các nhà phân tích, việc gia nhập Mercosur là một thắng lợi đối với Venezuela nói riêng và Mercosur nói chung. Với việc Caracát trở thành thành viên đầy đủ, Mercosur không chỉ được biết đến như là khối xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới mà còn là một khối mạnh về năng lượng, kể cả năng lượng tái tạo (nhiên liệu sinh học) và năng lượng không tái sinh (dầu mỏ).
Mercosur, gồm Argentina, Brazil, Uruguay và Venezuela, có 270 triệu dân (chiếm 70% dân số Nam Mỹ) và trải rộng trên diện tích 12,7 triệu km2, từ vùng biển Caribê tới cực Nam châu Mỹ.
L.H (tổng hợp)