Cảnh báo trên được Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhỏ (FSB), ông Martin McTague, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo giới. Ông nói rằng tình trạng phá hoại và hôi của tại các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 là rất đáng lên án.
Vào cuối tuần, các cửa hàng đã bị đốt cháy còn các khách sạn là nơi trú ngụ của những người xin tị nạn đã trở thành mục tiêu trong các cuộc biểu tình bạo lực. Các cửa hàng bán lẻ nổi tiếng trong nước như Sainsbury’s, Greggs và Iceland cũng nằm trong tầm ngắm của những kẻ phá hoại, chịu thiệt hại đáng kể về tài sản và mất mát hàng hóa.
Ông McTague cho hay sự hỗn loạn đang gây ra tác động tàn phá đối với các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, trong khi các cuỗi cửa hàng lớn cũng phải chịu thiệt hại.
Ông nói thêm rằng có thể sẽ mất nhiều tháng và hàng triệu bảng Anh để khắc phục các tổn thất này. Đồng thời, ông kêu gọi chính quyền trung ương và địa phương hợp tác để hỗ trợ các công ty nhỏ hơn.
Ngoài tác động tài chính tức thời, các cuộc bạo loạn còn tạo ra bầu không khí sợ hãi cho những người lao động ngành bán lẻ và cả khách hàng.
Khi người mua sắm lựa chọn ở trong nhà, các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với một đòn giáng kép: Doanh số giảm và chi phí liên quan đến an ninh và sửa chữa tăng. Những thách thức này đang gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp vốn vẫn phải vật lộn với chi phí tăng cao và bất ổn kinh tế.
Tiến sỹ Rachel Doern từ Đại học Goldsmiths cho biết, tác động chung của các cuộc biểu tình bạo loạn trên khắp các thị trấn và thành phố của Anh sẽ là "rất lớn".
Bà cho biết các doanh nghiệp nhỏ, độc lập nói riêng có thể buộc phải đóng cửa vĩnh viễn, trong khi những doanh nghiệp khác có thể phải vật lộn về mặt tài chính và niềm tin trong nhiều năm tới.
Nghiên cứu trước đây của bà về cuộc bạo loạn ở London hồi năm 2011 cho thấy hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và độc lập bị ảnh hưởng. Cuộc bạo loạn đã khiến năm người tử vong, trong khi nhiều tài sản và cửa hàng trên khắp nước Anh bị phá hủy. Nghiên cứu ước tính rằng bốn ngày bạo loạn đó đã gây thiệt hại từ 200-500 triệu bảng Anh cho nước này do thương mại gián đoạn.
Bên cạnh đó, ông McTague cũng đặt câu hỏi về cách các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn tài trợ cho các hoạt động dọn dẹp cần thiết như thế nào.
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các công ty bảo hiểm Anh cho biết, các thiệt hại vật chất đối với nhà cửa hoặc doanh nghiệp đã được bảo hiểm theo tiêu chuẩn của hầu hết các hợp đồng bảo hiểm hộ gia đình hoặc doanh nghiệp.
Một số hợp đồng cũng sẽ bảo hiểm cho các doanh nghiệp có địa điểm không bị hư hại nhưng có thể phải đóng cửa và mất doanh thu sau đó. Người phát ngôn của hiệp hội cho biết tốt nhất là các công ty nên trao đổi với công ty bảo hiểm của họ càng sớm càng tốt.
Thiệt hại không chỉ giới hạn ở các cửa hàng riêng lẻ. Các nhà bán lẻ quốc tế có thể không muốn tham gia thị trường Anh hoặc mở rộng hoạt động của mình trước tình hình bất ổn như vậy.
Điều này có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế, dẫn đến tình trạng mất việc làm và giảm doanh thu thuế cho chính phủ.
Khi mọi chuyện lắng xuống, ngành bán lẻ Anh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tái thiết và phục hồi.
Theo giới quan sát, Chính phủ Anh và chính quyền địa phương phải hợp tác chặt chẽ với các nhà bán lẻ để cung cấp hỗ trợ và nguồn lực giúp họ phục hồi sau những tổn thất này. Ngoài ra, chính phủ cần phải giải quyết ngay các yếu tố kinh tế và xã hội cơ bản góp phần gây ra bạo loạn để ngăn chặn các sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.
Chưa thể ước tính ngay mức độ thiệt hại mà các cuộc biểu tình bạo loạn gây ra đối với ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế Anh nói chung. Tuy nhiên, rõ ràng là các cuộc bạo loạn đã gây ra một vết thương đáng kể và lâu dài cho một nền kinh tế vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Các vụ biểu tình bạo loạn xảy ra trên khắp nước Anh sau vụ đâm dao khiến ba bé gái thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff và sống tại làng Banks, hạt Lancashire cách Southport vài dặm về phía Bắc, đã bị buộc tội ba tội giết người và 10 tội cố ý giết người.
Tuy nhiên, trước khi danh tính của nghi phạm được xác nhận, trên mạng xã hội đã lan truyền các thông tin sai sự thật rằng đối tượng là người Hồi giáo đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền và đang xin tị nạn. Sau những thông điệp này, các thành viên cực hữu đã xuống đường biểu tình phản đối nhập cư và bài Hồi giáo tại các thành phố trên khắp nước Anh. Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra giữa phe biểu tình cực hữu với cảnh sát hoặc với các nhóm biểu tình đối lập.
Trong đợt bùng phát bất ổn dân sự tồi tệ nhất tại Anh trong 13 năm qua, tập trung tại nhiều thành phố của vùng England và Bắc Ireland, cho đến nay cảnh sát đã bắt giữ hơn 400 đối tượng có các hành vi gây rối trật tự công cộng.