Theo hãng tin Reuters, giới chức khu vực Kaluga (cách Moskva 190km về phía tây nam) cho biết kể từ năm 2006, họ đã thu hút các khoản đầu tư trị giá 15 tỷ USD, chủ yếu là nước ngoài.
Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong những tuần gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu linh kiện kéo dài và khiến hai nhà máy ô tô hàng đầu của Volkswagen (Đức) và Volvo (Thụy Điển) ngừng hoạt động.
Nhà máy sản xuất ô tô thứ ba là PSMA Rus (liên doanh giữa Stellantis và Mitsubishi với 2.000 người lao động) có thể sớm ngừng sản xuất do thiếu phụ tùng.
Pavel Terpugov, một thợ hàn tại nhà máy PSMA Rus, cho biết: “Không rõ điều gì sẽ xảy ra. Họ không cung cấp cho chúng tôi thông tin cụ thể nào”.
Terpugov cho biết anh tốn gấp đôi khi mua hàng tạp hóa so với trước khi có lệnh trừng phạt. Các nhà phân tích đã dự báo lạm phát của Nga có thể tăng lên 24% trong năm nay, trong khi nền kinh tế có thể giảm xuống mức năm 2009.
Mỹ và châu Âu đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt Nga sau các cáo buộc Nga sát hại dân thường ở thị trấn Bucha, Ukraine. Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ sát hại dân thường, kể cả ở Bucha.
Một nguồn hy vọng cho một số người ở Kaluga là phương Tây có thể không muốn làm tổn thương các công ty của chính mình.
Valery Uglov, một thợ cơ khí ô tô tại nhà máy Volkswagen cho biết: “Có hợp lý không khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà máy của chính mình và chịu mất tiền? Mất thị trường Nga có hợp lý không? Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại làm việc càng sớm càng tốt và mọi người sẽ lại có niềm tin vào tương lai”.
Tuyển dụng 4.200 lao động, nhà máy của Volkswagen tại Nga vào đầu tháng 3 đã đình chỉ hoạt động. Tập đoàn Volvo, công ty sử dụng trên 600 người trong hoạt động sản xuất xe tải, cũng đã tạm ngừng sản xuất.
Ngay cả trước khi bị trừng phạt, doanh số bán ô tô của Nga đã giảm từ 2,8 triệu chiếc từ khi nhà máy Volkswagen mở cửa vào năm 2007 xuống 1,67 triệu chiếc vào năm ngoái, chịu thiệt hại từ cả hai lệnh trừng phạt sau khi sáp nhập Crimea năm 2014 và đại dịch COVID-19.
Một số nhà máy đã cắt giảm sản lượng vào năm ngoái do gián đoạn trong đại dịch.
Ông Alexander Netesov, Giám đốc kho hàng tại nhà máy Volkswagen, cho biết: “Chúng tôi đã từng cho người lao động nghỉ phép không lương tại nhà máy... nhưng giờ đây, tất nhiên, tình hình đã khác và nghiêm trọng hơn”.
Ông Netesov cho biết một chiếc xe Polo mới mà ông đặt mua với mức chiết khấu tại nhà máy đã tăng giá 20% kể từ thời điểm đặt hàng.
Tuy nhiên, những người khác trong thành phố lạc quan vì họ nghĩ rằng hầu hết cuộc khủng hoảng tàn phá nền kinh tế Nga trong hai thập kỷ qua đều sẽ kết thúc và tiếp theo đó là phát triển bùng nổ. Ông Angelina Minnigulova, Giám đốc tiếp thị tại đại lý Volkswagen KorsGroup, cho biết: “Tôi hy vọng, tất cả chúng ta đều mong trong tương lai gần, mọi thứ sẽ ổn định”.