Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn chủ đề “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta” cho Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay, với hy vọng có thể thu hút sự chú ý của toàn cầu vào các hành động khẩn cấp nhằm giúp hành tinh và con người cùng tồn tại một cách khỏe mạnh, qua đó kiến tạo các xã hội tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc cho người dân.
Mỗi năm hơn 13 triệu người trên thế giới tử vong do các tác động môi trường mà lẽ ra nếu có sự hợp sức cùng nhau thì hoàn toàn có thể tránh được, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu. WHO khẳng định khủng hoảng khí hậu chính là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng khí hậu cũng chính là cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, thế giới liên tục chứng kiến các hiện tượng khí hậu cực đoan, từ nắng nóng đến bão lũ, gây ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của người dân trên khắp thế giới, đẩy hàng triệu loài động thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng, kéo theo sự sụp đổ của hệ sinh thái, mất an ninh lương thực. Báo cáo mới đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thì Trái Đất sẽ đến bên bờ vực bị phá hủy và nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần.
Hiện hơn 1 tỷ người sinh sống ở các vùng ven biển trên thế giới đối mặt với nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ này. Trái Đất ấm lên cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, nảy nở, truyền bệnh nhanh và rộng hơn bao giờ hết. Chưa dừng lại ở đó, thế giới sẽ chứng kiến thêm khoảng 250.000 người thiệt mạng mỗi năm cũng do biến đổi khí hậu. Thực trạng này khiến Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres quan ngại thế giới "đang trên đà đi nhanh" tới thảm họa.
Trong khi đó, ô nhiễm nhựa đang chạm tới mọi ngõ ngách của hành tinh, từ đáy đại dương sâu nhất, tới những ngọn núi cao nhất, xâm nhập vào chính chuỗi thức ăn của con người. Các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến cao, không lành mạnh đang thúc đẩy làn sóng béo phì, tăng số người mắc ung thư và bệnh tim, đồng thời chiếm tới hơn 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Các xã hội khỏe mạnh chủ yếu dựa vào các hệ sinh thái hoạt động tốt để cung cấp không khí sạch, nước ngọt, thuốc men và an ninh lương thực, qua đó giúp hạn chế dịch bệnh và ổn định khí hậu. Thế nhưng, hiện ô nhiễm không khí đang được coi là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân chính cướp đi sinh mạng của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Thống kê của WHO cho thấy hơn 90% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm vượt giới hạn an toàn, trong đó người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình phơi nhiễm ô nhiễm không khí hơn cả. Báo cáo của IPCC cho thấy lượng khí thải carbon độc hại trong giai đoạn 2010-2019 ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Giới chuyên gia khẳng định ô nhiễm không khí là yếu tố hoàn toàn có thể tránh được nếu có các biện pháp quản lý tốt và chính sách phát triển hợp lý. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, do hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, việc sử dụng nhiên liệu rắn. Kết quả là ngày càng nhiều người trên thế giới bị đột quỵ, mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư, phổi cùng các bệnh về hô hấp.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học. Chưa bao giờ, con người lại có thể tìm ra các loại vaccine cùng các phương pháp điều trị khống chế virus nhanh đến vậy, nhưng cùng với đó đại dịch đã “phơi bày” những điểm yếu trong mọi lĩnh vực của xã hội. Thế giới không chỉ ghi nhận tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine, “người thừa, kẻ thiếu”, mà còn khiến bất bình đẳng giới gia tăng. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy thế giới mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới.
Rõ ràng, khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về sức khỏe và thế giới cần một chiến lược khẩn cấp trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, những hiểu biết của con người nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và cách thức bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt là những người phải chịu tác động của biến đổi khí hậu vẫn còn những lỗ hổng đáng kể. Đó là chưa kể, mô hình của nền kinh tế hiện nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập, dẫn tới phân phối thu nhập, của cải không công bằng, khi còn một lượng lớn người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói và bất ổn.
Thông qua chủ đề Ngày Sức khỏe thế giới 2022, WHO đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, thúc đẩy hành động làm cho môi trường sạch hơn, hệ sinh thái bền vững hơn, qua đó có thể tạo dựng một hành tinh khỏe mạnh, là chỗ dựa vững chắc của mọi hoạt động của con người, từ sinh hoạt cho đến phát triển một nền kinh tế thịnh vượng. Khi hành tinh khỏe mạnh, cuộc sống của con người cũng sẽ hạnh phúc hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn và hành động của tất cả các chính phủ cũng như sự tham gia của người dân trên thế giới.