Hơn 5 tháng sau khi Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ ký Biên bản ghi nhớ xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", hai bên vẫn chưa thể đi tới thỏa thuận chính thức.Tờ "Kommersant" (Thương nhân) của Nga ngày 5/5 đưa tin dự án bị trì hoãn, vì các cuộc đàm phán giữa Tập đoàn Gazprom với Tập đoàn hóa dầu Quốc gia Botas của Thổ Nhĩ Kỳ không tiến triển. Trên thực tế, nhiều diễn biến kinh tế, chính trị tại khu vực trong mấy tháng qua được xem là tác nhân quan trọng, khiến thỏa thuận cuối cùng giữa Ankara và Moskva còn ở rất xa, nếu không muốn nói là ít có tính khả thi.
Nga thay "Dòng chảy phương Nam" (màu vàng) bằng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (màu xanh). Ảnh: Parapolitika |
Đầu tiên phải kể đến “rắc rối” nảy sinh trong quan hệ song phương. Việc Moskva mô tả vụ Đế chế Ottoman giết hại người Armenia (1915) là tội ác diệt chủng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng. Ankara chỉ trích mạnh mẽ những phát biểu từ điện Kremlin, cũng như nghị quyết mà Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua hôm 24/4 về biến cố lịch sử này.
Không đến mức cho triệu hồi đại sứ như đối với trường hợp của Áo, Tòa thánh Vatican, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phát đi tín hiệu “cảnh báo" đối với Nga: Ngày 5/5, giới chức ngoại giao nước này cho biết, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không nhận lời tham dự Lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít và cử Đại sứ tại Moskva Umit Yardım thay thế. Trong một bối cảnh như vậy, chính quyền Ankara hẳn nhiên không muốn vồn vã trong đàm phán với Nga về “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Sức ép từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là một nhân tố buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc kĩ càng. Trong bối cảnh Washington và các đồng minh châu Âu vẫn cương quyết áp cấm vận chống Nga, quyết định cho xây dựng tuyến đường ống này sẽ đặt chính quyền của Tổng thống Erdogan vào thế khó, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ lại là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu trước báo giới hôm 4/5, Đại sứ Mỹ tại Ankara John Bass tuyên bố cần tiếp tục duy trì sức ép kinh tế nhằm vào Nga và mọi thành viên của NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng chấp nhận những tổn thất từ việc làm này, vì mục tiêu buộc Moskva phải có lựa chọn “đúng đắn” trong vấn đề Ukraine.
Ông Bass đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực năng lượng. “Chúng tôi tin rằng, không thể chấp nhận những điều khoản về cung cấp năng lượng, vận chuyển năng lượng nhất là với dầu mỏ, khí đốt theo hướng gây sức ép chính trị lên từng nước. Cách tiếp cận của chúng tôi với 'Dòng chảy phương Nam' trước đây hay bất kì tuyến đường ống thay thế nào sau này mà Gazprom theo đuổi sẽ không thay đổi, vẫn dựa trên nguyên tắc nền tảng này” - Đại sứ Mỹ nói.
Tuyến đường ống TANAP trong tổng thể "Hành lang khí đốt phương Nam". Ảnh: Global Source |
Đối với châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và EU mới đây đã cho hình thành cơ chế Đối thoại và Hợp tác năng lượng cấp cao, giúp tạo dựng quan hệ đối tác bên chặt giữa hai bên. Trong đó, EU đang cố tìm cách khai thác vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như là một quốc gia trung chuyển chính, kết nối giữa các nguồn cung cấp với các thị trường tiêu thụ, để tránh phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Nga.
Cuối cùng, chính quyền Tổng thống Erdogan hiện dồn sự chú tâm của mình vào tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên bán đảo Anatolia (TANAP), một bộ phận cấu thành của tuyến “Hành lang khí đốt phương Nam” (Southern Gas Corridor) mà châu Âu đang muốn thúc đẩy. Dự án có quy mô vốn đầu tư 10 tỉ USD này đã được Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Azerbaijan chính thức khởi công vào hôm 17/3 vừa qua, dẫn khí đốt từ biển Caspian tới châu Âu. Dự kiến, tuyến đường ống sẽ vận hành vào năm 2018, công suất ban đầu khoảng 16 tỷ mét khối khí và sẽ tăng dần lên 31 tỷ mét khối. Khoảng 6 tỷ mét khối sẽ được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, số còn lại sẽ được chuyển đến châu Âu. Tập đoàn Botas giữ 30% cổ phần của dự án.
Tựu chung lại, Ankara có lý do riêng để không vội ký thỏa thuận cuối cùng với Moskva về “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, nhất là khi dự án đó có thể làm “mất lòng” các đồng minh phương Tây, Azerbaijan và cả dư luận trong nước.
Hoài Thanh (Theo Hurriyetdailynews)