Vì sao CIA, NSA bó tay trước Vladimir Putin?

Đầu tháng ba, khi Nga có các động thái di chuyển gần Crimea, các cơ quan tình báo Mỹ nhận được sự im lặng đáng lo ngại tại điểm mà họ đặc biệt tập trung - không gian số quanh Tổng thống Vladimir Putin và tướng lĩnh quân đội. Thông tin đăng tải trên tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) cho biết: Tình báo Mỹ không thu được bất kì đoạn thoại nào kể từ khi khủng hoảng ở Crimea diễn ra. Một quan chức Mỹ gọi đây là “kĩ thuật nghi binh” cổ điển của Nga.

Putin, vị tổng thống lỗi thời?

Tổng thống Vladimir Putin dùng điện thoại di động, một hình ảnh hiếm hoi. Ảnh: Kyivpost


Nhưng cuối cùng sự im lặng kia cũng có lời giải thích: Ông Putin không có điện thoại nào để Mỹ có thể theo dõi. Cũng chẳng thể coi Tổng thống Nga là công dân trong kỉ nguyên Internet. Lý do là hôm 20/3, hai ngày sau khi sáp nhập Crimea, ông đã nói với các nhà báo rằng “Tôi chẳng mấy khi nhìn vào đó, khoảng không gian mà rõ ràng các bạn đang sống - đó là Internet”. Bị coi là người lỗi thời, điều này cũng được xem là phù hợp với thói quen giao tiếp của Putin, đưa ông trở thành mục tiêu khó bị theo dõi nhất của tình báo nước ngoài. Không giống như Thủ tướng Đức Angela Merkel, người bị NSA theo dõi điện thoại, ông Putin không sử dụng tin nhắn thoại. Ông không dùng mạng xã hội, lấy tin tức chủ yếu từ các cơ quan tình báo. Đầu năm 2005, tại thời điểm bắt đầu nhiệm kì thứ 2, ông nói rằng bản thân không sử dụng điện thoại di động”. Đến năm 2010, điều này cũng không thay đổi. “Nếu có di động, nó sẽ rung liên hồi. Ngay cả điện thoại bàn ở nhà rung, tôi cũng chẳng trả lời”, ông Putin chia sẻ.

Đó có vẻ là một điểm kỳ lạ đối với lãnh đạo một quốc gia có số điện thoại di động nhiều hơn cả dân số, lượng người sử dụng Internet nhiều hơn bất kì nước nào ở châu Âu. Nhưng chứng sợ công nghệ của Putin là một "truyền thống" có từ trước khi điện thoại ra đời: nỗi sợ bị nghe lén. Thời Liên Xô, thói quen nghe lén của KGB - nơi ông Putin từng công tác, thậm chí còn sinh ra một câu nói phổ biến của người dân Nga: "Đây không phải là một cuộc nói chuyện điện thoại". Người Nga thường nói câu này vào giữa cuộc trò chuyện, để tự nhắc nhở rằng họ chỉ có thể nói những câu chuyện phiếm "vô tội" nhất mà thôi. "Đây là một thói quen từ thời Xô-viết. Không thứ gì có thể khiến chúng tôi thay đổi nó cả", Andrei Soldatov, một chuyên gia về do thám tình báo tại ở Moskva khẳng định.

Mã hóa siêu hạng


Trong trường hợp của Tổng thống Putin, Điện Kremlin cũng đã đầu tư nhiều nguồn lực để giữ các cuộc hội thoại của giới lãnh đạo không bị lộ. Theo ông Soldatvo, kiểu mã hóa của Nga có lịch sử lâu đời đối phó hiệu quả đối với tình báo phương Tây. Vào năm 2009, cả tình báo Anh và Mỹ đều tìm cách nghe lén điện thoại của tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev khi ông dự một cuộc họp thượng đỉnh tại London. Các tài liệu của Edward Snowden chuyển tới tờ Guardian (Anh) cho biết, dù đã gài chip nghe lén lên điện thoại nhưng tình báo của 2 quốc gia này vẫn không thể phá được mã của Kremlin. "Các đặc vụ của chúng tôi có thể không phải là những người giỏi nhất. Nhưng khi giao cho họ nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu của một vài người đứng đầu, họ có thể làm được”, Soldatov chia sẻ.

Putin, một bậc thầy trong nghề tình báo, lại làm cho nhiệm vụ của những nhân viên kia dễ dàng hơn. Chỉ mới 1 lần duy nhất đài truyền hình trung ương Nga chiếu cảnh ông dùng điện thoại di động. Đó không phải là một chiếc smartphone mà tình báo Mỹ nghĩ là phải nghe lén. Đó là thiết bị trông như cục gạch, màu đen, thô kệch, được Putin đưa lên nghe khi đứng ở một khu rừng bạch dương. Putin bị giới blogger tại Nga mỉa mai rất nhiều về hình chiếc điện thoại này.

Một phong cách tương tự cũng thể hiện ở văn phòng làm việc của nhà lãnh đạo Nga, lần đầu tiên được công bố vào năm 2012, khi kênh truyền hình Nga chiếu một bộ phim tài liệu dịp sinh nhật lần thứ 60 của Tổng thống. Trên bàn, chỉ có độc một chiếc máy vi tính, mà được ông chủ Điện Kremlin khẳng định là không được dùng vào mục đích đọc tin. Một tập tài liệu màu đỏ do các cơ quan tình báo Nga thu thập sẽ làm nhiệm vụ cung cấp thông tin này. Với một phương thức giao tiếp riêng mình, trong phòng làm việc của ông Putin cũng có một dãy điện thoại bàn màu vàng, kiểu thường thấy trong các phòng làm việc của Điện Kremlin. Thay vì có số, chúng chỉ có một nút bấm có tên người ở trên. Phóng viên hãng thông tấn MINA (Macedonia) đã có một lần thử gọi vài năm trước đây trong phòng báo chí phủ Tổng thống, chẳng có gì gọi là bí mật cả: Đường dây không hoạt động.


Hoài Thanh

Obama ‘ngây thơ' trước Putin trong khủng hoảng Ukraine?
Obama ‘ngây thơ' trước Putin trong khủng hoảng Ukraine?

Cựu ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney cho rằng: sự "khờ khạo" của Ông Barack Obama trước những “tính toán và mục đích” của Nga đã làm cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine thêm tồi tệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN