Mới đây nhất, vụ một cô dâu Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn đến gãy xương sườn đã khiến dư luận cả hai nước bàng hoàng, phẫn nộ. Đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo hành gia đình đối với cô dâu ngoại quốc Hàn Quốc. Một đơn kiến nghị trực tuyến đăng tải lên trang web chính thức của Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) kêu gọi một hình phạt nghiêm khắc đối với người chồng bạo hành đã thu hút trên 10.000 chữ ký.
Vụ bạo hành diễn ra vào tối 4/7 tại Yeongam, tỉnh Nam Jeolla. Người chồng trong tình trạng say xỉn đã đánh đập vợ mình suốt 3 giờ ngay trước mặt đứa con 2 tuổi. Người chồng, sau đó bị tạm giam để phục vụ điều tra, cho biết vì "khác biệt ngôn ngữ" nên xảy ra xích mích giữa hai vợ chồng. Hiện người vợ bị bạo hành và đứa con 2 tuổi được đưa về chăm sóc bởi Trung tâm Quyền lợi Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc. Nạn nhân bị gãy xương sườn và nhiều chấn thương khác, buộc phải lưu viện 4 tuần để điều trị.
Theo báo Korea Times, cùng với nhiều trường hợp tương tự khác tiếp tục diễn ra tại "xứ sở kim chi", có thể nhận ra một điều: chính cơ chế nhập cư của Hàn Quốc đã biến những người phụ nữ này trở thành nạn nhân của vấn nạn bạo hành gia đình.
Báo Korea Times cho hay ban đầu luật pháp quy định các ông chồng người Hàn Quốc là người bảo trợ cho việc cấp thị thực và tình trạng nhập cư của vợ ngoại quốc. Đến tháng 12/2011, quy định này đã bị bãi bỏ để bảo vệ quyền lợi cho người nhập cư theo diện hôn nhân tốt hơn.
Tuy nhiên, các tổ chức dân sự cho biết thủ tục pháp lý hiện hành vẫn khiến người vợ ngoại quốc gặp khó khăn trong việc xin thường trú hoặc nhập quốc tịch Hàn Quốc nếu không có sự giúp đỡ của chồng.
"Người nước ngoài cần tham gia bài phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc. Cho đến năm ngoái, cơ quan di trú vẫn có quy định không phỏng vấn vợ nước ngoài nếu không có chồng Hàn Quốc đi cùng", Kang Hye-sook, một đồng đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc chia sẻ.
Thực trạng này cùng với nhiều quy trình pháp lý phức tạp và mơ hồ khác đã khiến hầu hết những người vợ ngoại quốc không thể làm thủ tục một mình trong khi khả năng ngôn ngữ của họ còn hạn chế và không có ai giúp đỡ. Họ hoàn toàn trao quyền kiểm soát số phận của mình vào tay người chồng. Và chính từ đây mới sinh ra tình trạng nhiều phụ nữ chịu đựng bạo hành và lạm dụng mà không báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật, vì họ bị phụ thuộc.
Người vợ ngoại quốc có thể có quyền hợp pháp sống tại Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của người chồng trong trường hợp anh ta chết hoặc bỏ rơi. Bên cạnh đó, khi vợ nước ngoài muốn ly dị chồng Hàn Quốc, họ phải chứng minh tại tòa rằng lỗi của người chồng dẫn tới việc chia tay.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 12 năm ngoái có tổng cộng 132.391 phụ nữ ngoại quốc đăng ký nhập cư theo diện hôn nhân. Trong một cuộc khảo sát do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc thực hiện năm 2017, có 42,1% trong tổng số 920 người tham gia thừa nhận họ bị bạo hành gia đình. % chịu cảnh lạm dụng thể xác, trong khi gần 20% cho biết từng bị đe dọa bằng hung khí.
Cũng có 31,7% người tham gia cho biết họ không tìm đến bất kỳ sự trợ giúp nào. 25% không muốn người khác biết về nạn bạo hành trong gia đình mình, trong khi 20,7% số người được hỏi bày tỏ họ không biết đến nơi nào để tìm kiếm giúp đỡ và 20,7% nghĩ người khác không thể giúp mình giải quyết thực trạng.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF), 6,4% người vợ nhập cư ly hôn chia sẻ vấn đề bạo lực và đối xử tệ bạc là lý do khiến họ không thể chung sống thêm với chồng.
Tại các gia đình có quan điểm phân biệt giới tính ở Hàn Quốc, vợ chồng không có thứ bậc ngang hàng nhau về quyền lực trong nhà, đặc biệt là với những gia đình có sự chênh lệch tuổi tác trên 10 tuổi.
“Kết quả là, các ông chồng Hàn Quốc thường không công nhận những người vợ trẻ nước ngoài là một phần của gia đình hoặc nghĩ rằng: Tôi đưa cô về nhà này và có thể đối xử với cô theo cách tôi thấy phù hợp.
Một nền văn hóa gia đình phân biệt giới tính và hệ thống nhập cư yếu kém là lý do tại sao những người vợ ngoại quốc thường xuyên phải chịu nạn bạo hành khi sống tại đây”, bà Kang lý giải. Bà Kang cho biết thêm nên có một hệ thống pháp luật quy định sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng khác biệt chủng tộc.