Căn phòng ngay cạnh văn phòng Đại sứ Thụy Điển tại Bình Nhưỡng đã bị quên lãng trong nhiều năm. Căn phòng rơi vào tình trạng bỏ không từ sau thỏa thuận năm 1995, trong đó nêu rõ Thụy Điển đóng vai trò “đại diện quyền lợi” của Mỹ tại Triều Tiên. Theo thỏa thuận năm 1995, một khi Mỹ mở cơ sở ngoại giao tại Bình Nhưỡng thì Thụy Điển sẽ không còn giữ vai trò “bảo hộ” nữa.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết có nhiều đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên ở thời đểm đó và việc chuẩn bị "một chỗ dừng chân" là ý tưởng hay, bởi Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên nên không có đại sứ quán. Theo AP, Đại sứ quán Thụy Điển cùng Đại sứ quán Anh đều nằm trong khu tổ hợp Đại sứ quán Đức tại Bình Nhưỡng.
Trên bàn đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai ở Hà Nội vào cuối tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mở văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước “không phải là ý tưởng tồi”. Về phần mình, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh giá “đó là điều được hoan nghênh” khi đề cập đến việc mở cơ sở ngoại giao của Washington tại Bình Nhưỡng.