Vì sao Mỹ, EU tiêm vaccine COVID-19 nhanh, còn châu Á tụt lại phía sau?

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường, các khu vực như Mỹ, châu Âu đã mua đủ vaccine COVID-19 và đạt nhiều tiến triển trong tiêm chủng đại trà, còn các nước ở châu Á vẫn gặp khó khăn về nguồn cung vaccine và tiêm chủng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/5 cho biết quá trình phân phối vaccine COVID-19 đang “bất công một cách bê bối” khi 10 quốc gia đã sử dụng tới 75% lượng vaccine COVID-19 toàn thế giới. Ông nói: “Một nhóm nhỏ quốc gia sản xuất và mua phần lớn vaccine nắm vai trò quyết định số phận của phần còn lại thế giới”.

Trong khi đó, từ tháng 2 tới nay, cơ chế phân phối vaccine COVAX của WHO đã phân phối 72 triệu liều vaccine cho 125 quốc gia và nền kinh tế, chưa đủ cho 1% dân số các nước này.

Mỹ, châu Âu: Tiêm nhiều, mở cửa trước

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một điểm tiêm chủng di động ở New York City, Mỹ ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, dữ liệu công bố ngày 20/5 của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cho thấy ít nhất 25 bang ở Mỹ và thủ đô Washington D.C đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất một nửa số người trưởng thành. Trên toàn nước Mỹ, 61,3% người Mỹ trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 49,6% đã được tiêm đầy đủ. Trên 49% tổng dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 39% được tiêm đầy đủ. Bang có tỷ lệ người trưởng thành đã tiêm đủ vaccine cao nhất là Maine với tỷ lệ trên 62%.

Tác động xã hội của các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 thể hiện rất rõ. Ngày 24/5, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio, cho biết các trường học công trong thành phố sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 9 tới, không cần học trực tuyến. Ông de Blasio phát biểu: “Chúng ta đã chứng minh rằng chúng ta có thể đánh bại COVID-19 khắp đất nước và trường học mở cửa sau 4 tháng nữa. Tôi hoàn toàn tin rằng số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục đi xuống, còn chương trình tiêm chủng sẽ tiếp tục đi lên, quá trình phục hồi sẽ mạnh mẽ”.

Tại bang New Jersey, chính quyền sẽ dỡ bỏ yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang từ ngày 28/5, trừ các trường hợp đặc biệt. Các doanh nghiệp có thể yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang hay không tùy ý.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Seattle, bang Washington (Mỹ) ngày 13/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại bang Michigan, Thống đốc Gretchen Whitmer đã cập nhật quy định và hướng dẫn, cho phép nhân viên đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 không cần đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Tỷ lệ tiêm chủng của Michigan đã vượt 55%.

Số hành khách đi lại bằng hàng không cũng khôi phục gần bằng trước đại dịch. Trung bình mỗi chuyến bay nội địa chở 98 hành khách, so với 99 hành khách năm 2019.

Mỹ cũng đang ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 thấp nhất trong gần một năm qua và giới chức nước này lạc quan rằng các con số sẽ còn giảm nữa. Mỹ ghi nhận trung bình trên 25.000 ca mắc và trên 540 ca tử vong hàng ngày trong tuần qua. Dù số ca mắc mới vẫn cao nhưng đã giảm 57% so với cách đây một tháng. Trong khi đó, số ca tử vong giảm 23% so với cách đây một tháng.

Tại châu Âu, xét vai trò ngày càng lớn của vaccine trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng COVID-19 và xúc tiến kế hoạch phát hành "hộ chiếu vaccine" nhằm đẩy nhanh tiến trình khôi phục hoạt động đi lại giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ.

Chú thích ảnh
Người dân dùng bữa bên ngoài của một nhà hàng ở London, Anh ngày 29/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thời gian qua, chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 của EU đã tăng tốc và bắt kịp Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành trước cuối tháng 7 tới và tỷ lệ này tương đương với mục tiêu mà Mỹ đề ra. 

Nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đã dần mở cửa trở lại. Tại Vương Quốc Anh, từ ngày 20/5, những người tại Scotland đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 có thể được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và du lịch nước ngoài. Tại Pháp, từ ngày 19/5, người dân có thể ăn uống tại các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời, cũng như thăm bảo tàng, đến rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị hạn chế. Theo kế hoạch, sau giai đoạn hai nới lỏng phòng dịch này, Pháp sẽ mở cửa nền kinh tế hoàn toàn vào ngày 30/6 tới.

Tương tự, Chính phủ Áo cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ ngày 19/5, theo đó mở cửa trở lại các nhà hàng và quán bar sau 6 tháng tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng này chỉ áp dụng đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 hay đã phục hồi sau khi mắc căn bệnh này.

Tính tổng thế, có khoảng 23% dân số khu vực châu Âu được tiêm mũi đầu vaccine COVID-19 và có 11% được tiêm đủ 2 mũi, nên WHO vẫn khuyến cáo người dân duy trì cảnh giác. Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh: “Dù vaccine có thể là ánh sáng cuối đường hầm, nhưng chúng ta không được để ánh sáng đó làm chói mắt".

Châu Á tiêm chủng chậm chạp

Trái với Mỹ và châu Âu, nhiều nước châu Á đang tụt lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng. Nguyên nhân một phần là thiếu nguồn cung vaccine COVID-19. Theo tờ Financial Times, do không thể phát triển và sản xuất vaccine trong nước, nhiều quốc gia châu Á buộc phải chờ nguồn vaccine từ Mỹ hoặc châu Âu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 29/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số những nước có tiến độ tiêm vaccine chậm chạp có cả những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Tính trung bình, Nhật Bản tiêm 6,3 liều vaccine/100 người, thấp hơn nhiều so với 90 liều/100 người ở Anh. Ở những nước đang phát triển như Thái Lan hay Philippines, chiến dịch tiêm chủng hầu như mới chỉ ở bước đầu. 

Ấn Độ có năng lực sản xuất vaccine lớn nhưng mới tiêm 14 mũi/100 người và đang chật vật trong làn sóng COVID-19 thứ hai. Ngay cả Trung Quốc, dù đã kiềm chế được dịch bệnh và sản xuất được vaccine, nhưng mới chỉ tiêm 36 liều/100 người.

Điều khiến thế giới ngạc nhiên nhất ở châu Á chính là Ấn Độ - nước có cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới là Viện Huyết thanh. Tuy nhiên, thời kỳ đầu, chính phủ Ấn Độ lại không đầu tư vào vaccine khẩn cấp như châu Âu hay Mỹ vì nghĩ rằng dịch sẽ hết vào tháng 1 và không hề có kế hoạch dự phòng. Các công ty Ấn Độ không đầu tư tăng năng lực sản xuất vì nghĩ nhu cầu sẽ giảm.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Nhật Bản. Ông Ken Ishii, Giáo sư khoa học vaccine tại Đại học Tokyo, cho biết Nhật Bản không ưu tiên phát triển vaccine. Mặc dù đã có nhiều mẫu tiềm năng được phát triển nhưng chỉ dừng lại ở thử nghiệm quy mô nhỏ. Hàn Quốc cũng thiếu đầu tư vào phát triển vaccine.

Chú thích ảnh
Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 24/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại lệ duy nhất ở châu Á là Trung Quốc, nước đã sản xuất vaccine hàng loạt. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn lâu mới đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.

Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn cung, còn một nguyên nhân nữa là tâm lý ngần ngại với vaccine ở những nơi kiểm soát dịch tương đối thành công. 

Nguồn cung thiếu và tiến triển tiêm chủng chậm chạp ở châu Á sẽ gây ảnh hưởng lớn khi mà nhiều quốc gia đang vất vả khống chế làn sóng dịch bệnh mới.  

Trong bối cảnh diễn biến tiêm chủng trái chiều trên thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo khi mà vẫn còn SARS-CoV-2 và các biến thể ở nơi khác, thì không nước nào có thể giả định mình đã an toàn, cho dù nước đó có tỷ lệ tiêm chủng cao bao nhiêu. Ông nói: “Tình hình dịch bệnh thế giới vẫn rất nguy hiểm. Tới thời điểm này, số ca mắc từ đầu năm tới nay đã vượt quá số ca mắc của cả năm 2020. Với xu hướng này, số ca tử vong sẽ vượt tổng ca tử vong năm ngoái chỉ sau 3 tuần nữa”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước quyên góp vaccine cho cơ chế COVAX để đảm bảo 10% dân số mọi quốc gia được tiêm chủng tới tháng 9 tới và 30% vào cuối năm, có nghĩa là thế giới cần tiêm 250 triệu người trong 4 tháng. Ông nhấn mạnh: “Điều này là quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh và ca tử vong, bảo vệ nhân viên y tế và mở cửa lại xã hội, nền kinh tế”.

Tính tới 26/5, toàn thế giới ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 3,5 triệu ca tử vong. Quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong hàng ngày nhất thời gian gần đây là Ấn Độ. Quốc gia có tổng ca mắc và tử vong nhiều nhất kể từ đầu đại dịch là Mỹ (trên 33,9 triệu ca mắc và trên 605.000 ca tử vong).
Thùy Dương/Báo Tin tức
Cựu Tổng thống Mỹ Trump nhận có công lớn trong chương trình vaccine, tiêm chủng COVID-19
Cựu Tổng thống Mỹ Trump nhận có công lớn trong chương trình vaccine, tiêm chủng COVID-19

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/5 đã lên tiếng khẳng định bản thân ông có công lớn trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hiện nay, gọi đây là “một trong những điều kì diệu lớn nhất trong nhiều thập kỉ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN