Họ đều xem tỉ phú này là người ủng hộ một cách “dũng cảm” Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời là nhân vật chấm dứt các cuộc can dự chiến tranh ở nước ngoài và có thể là dỡ bỏ lệnh cấm vận, trừng phạt nhằm vào Nga. Trong khi đó, bà Hillary Clinton bị xem là người hiếu chiến, phục vụ lợi ích của giới công nghiệp quân sự Mỹ.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây bày tỏ sự không hài lòng trước video tranh cử của ông Trump, trong đó có cắt ghép nhiều hình ảnh khác nhau thể hiện sự nghi ngờ khả năng bảo vệ nước Mỹ cũng như đối phó với ông Putin của bà Clinton. Tuy nhiên, giới phân tích nhìn nhận, đây chỉ là phản ứng “hiếm thấy” và thực sự Nga vẫn xem tỉ phú Trump là ứng cử viên “hợp khẩu vị” nhất.
Người Nga dường như ủng hộ ông Trump.... Ảnh:AFP/TTXVN |
Tổng thống Nga công khai khen ngợi Trump, coi ông là người “rất tài năng”. Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối Ngoại trực thuộc Quốc hội Nga thì nói rằng tỉ phú hay “vạ miệng” này xứng đáng được nhận danh hiệu “nhân vật của năm 2015” của nước Mỹ. Giới bình luận Nga thì lý giải, Trump có sức hút với Moskva bởi điện Kremlin tin rằng ông này là người theo chủ nghĩa biệt lập, do đó ít “đụng” tới Nga. “Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry là một nhóm ‘ước mơ’ với người Nga (vì không thực sự quyết liệt trong việc kiềm chế Nga). Thế nhưng giờ thì họ (Nga) thậm chí còn có một lựa chọn tốt hơn – một người tin rằng Mỹ chẳng có lợi lộc gì khi can dự với phần còn lại của thế giới”, Konstantin von Eggert, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Moskva nhìn nhận.
Trên thực tế, Donald Trump đã nhận được lời khuyên từ Trung tướng Michael Flynn, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Mỹ (DIA) và là người ủng hộ thiết lập mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Ứng cử viên đảng Cộng hòa này cũng lấy được cảm tình của nhiều người Nga, khi tuyên bố ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà cá nhân ông có thể duy trì được quan hệ tốt. Việc ông Trump ủng hộ Moskva mở chiến dịch không kích tại Syria, bác cáo buộc của Anh về việc ông Putin có dính líu đến cái chết của cựu nhân viên tình báo KGB Alexander Litvinenko sống tại London cũng khiến Nga hài lòng. Mới nhất, hôm 23/3, tỉ phú “vạ miệng” này tuyên bố Mỹ cần giảm đóng góp tài chính cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hai ông Trump và Putin được xem là có nhiều điểm tương đồng, “đều cởi mở, thực dung và nói thẳng tưng những gì nghĩ trong đầu”, chuyên gia phân tích quan hệ Nga- Mỹ Victoria Zhuravleva bày tỏ. Thái độ tôn trọng lẫn nhau giữa hai nhân vật này khiến nhiều người so sánh họ với mối quan hệ giữa Tổng thống Nga với một tỉ phú quay sang làm chính trị khác, đó là cựu Thủ tương Italy Silvio Berlusconi, người khiến cả Ukraine và châu Âu phải “buồn lòng” khi tới thăm ông Putin ở bán đảo Crimea.
... Và luôn dè chừng trước viễn cảnh bà Clinton thắng cử. Ảnh: Reuters |
Ở chiều ngược lại, Hillary Clinton, người không xa lạ gì với điện Kremlin khi bà này từng là ngoại trưởng Mỹ (2009 - 2013), lại không “hợp gu” với Moskva. “Chúng tôi thực sự không thích Hillary. Bà ta không là bạn của Nga”, một quan chức giấu tên người Nga bày tỏ.
Tại cuộc tranh luận của đảng dân chủ ở bang New Hampshire hồi đầu tháng 2 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ công khai tuyên bố nước Nga và cá nhân ông Putin là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ. Bà cáo buộc Nga “đang tìm cách thay đổi đường biên giới đã được thiết lập ở châu Âu sau thế chiến 2” thông qua việc “chia rẽ các nước”, “chiếm giữ Crimea”… đồng thời kêu gọi Mỹ, NATO cần đưa ra phản ứng thích đáng. Trên cương vị Ngoại trưởng (6/2012), bà Clinton công khai tuyên bố Nga có ý định “tái khôi phục Liên Xô” dưới một vỏ bọc mềm mại hơn là “Liên minh thuế quan” (tức Liên minh kinh tế Á-Âu), kèm theo đó là lời cảnh báo Nga “chớ có nhầm lẫn về điều này, vì chúng tôi biết mục đích thực chất là gì và sẽ làm mọi cách để trì hoãn, hoặc cản trở nó”.